Viết cho trẻ như là lẽ sống

Văn học thiếu nhi đang có khoảng trống nhất định, khi mà ngày càng ít nhà văn chuyên tâm sáng tác cho các em. Trong khi đó, một số cây bút trẻ đã bước vào nhưng chưa có tác phẩm thật sự tạo nên những “cơn sóng”. Nhà văn Lê Phương Liên  - người có nửa thế kỷ viết cho thiếu nhi, trò chuyện quanh vấn đề này.

Nhà văn Lê Phương Liên và tác phẩm mới xuất bản.
Nhà văn Lê Phương Liên và tác phẩm mới xuất bản.

Phóng viên (PV): Bà vừa ra mắt cuốn sách “Câu hỏi trẻ thơ” để đánh dấu chặng đường 50 năm viết cho thiếu nhi của mình. Điều gì dẫn dắt và thôi thúc bà viết cho thiếu nhi? 

Nhà văn Lê Phương Liên (LPL): Cách đây 50 năm tôi là một giáo sinh sư phạm. Vốn là con một cô giáo dạy tiểu học, tôi đã  được sống trong bầu không khí nhà trường, cô giáo, học trò… từ thủa còn thơ. Tôi có một người anh họ là anh Tô Đăng Hải (tức nhà văn Tô Hải Vân). Năm 1968, khi đang là một sinh viên anh đã viết văn và khích lệ tôi sáng tác. Thế là tôi tập viết những chuyện học trò đưa cho anh Tô Hải Vân đọc. Anh khuyên tôi nên gửi bản thảo đến NXB Kim Đồng. Một ngày hè năm 1969 anh cùng đi với nhà xuất bản để gửi gắm những trang viết rất ngây thơ. Sau một thời gian, bà Trần Thị Nhâm - biên tập viên của NXB Kim Đồng khi đó đã báo tin bản thảo của tôi sẽ được in. Không thể tả nổi niềm vui của tôi lúc đó. Dù đang bận học năm thứ hai Sư phạm Toán Lý, theo gợi ý của NXB Kim Đồng, tôi đã viết đề cương truyện vừa “Những tia nắng đầu tiên”. 

Mùa hè năm 1970, khi tôi được nghỉ hè, NXB Kim Đồng giới thiệu tôi đi dự Trại sáng tác Bộ Giáo dục (ở xã Song Phượng, Đan Phượng, Hà Tây cũ). Tại đây, tôi viết xong bản thảo cuốn “Những tia nắng đầu tiên”. Sau đó, tôi viết thêm truyện ngắn “Câu hỏi trẻ thơ” tham gia cuộc thi viết về thầy giáo và nhà trường xã hội chủ nghĩa. Tôi viết truyện ngắn trong một ngày. Dạo ấy ở Hà Nội những người trẻ mới bắt đầu viết thường tranh luận: “Nên viết như thế nào? Theo cách nào?”. Mùa hè năm 1970 ấy, từ trại sáng tác trở về, gặp anh Tô Hải Vân, tôi đã vui vẻ nói: “Em sẽ viết theo tâm lý trẻ thơ vừa có khoa học vừa có con người!”. Đó chính là tâm trạng của tôi khi viết truyện ngắn “Câu hỏi trẻ thơ”. Sau đó, tôi càng vui hơn khi truyện ngắn này được giải. Giải thưởng đầu tiên này đã giúp tôi tự tin hơn với lẽ sống của mình để tiếp tục con đường rất dài và rất xa về sau. 

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, số lượng nhà văn chuyên tâm viết cho thiếu nhi ngày càng ít. Là người trong cuộc, lại từng làm biên tập viên ở NXB Kim Đồng, bà bình luận gì về ý kiến này? 

LPL: Hiện nay, các nhà văn chuyên nghiệp viết cho thiếu nhi Việt Nam có lẽ chiếm một số lượng nhỏ trong Hội Nhà văn Việt Nam. Trẻ em bây giờ đang đọc các tác phẩm dịch của văn học thiếu nhi nước ngoài, thậm chí là với trình độ ngoại ngữ của lớp trẻ em thế kỷ XXI, các em đang đọc trực tiếp từ nguyên bản tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Hàn Quốc… Tuy vậy, cũng không thể bi quan nói rằng người đọc thiếu nhiệt tình với văn học thiếu nhi Việt Nam. Tác phẩm của các tác giả như Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Võ Quảng, Xuân Quỳnh, Nguyễn Nhật Ánh và tôi vẫn được bạn đọc tìm đọc. Số lượng sách thiếu nhi Việt Nam được phát hành có thể nói là khá đáng kể trong thị trường sách tiếng Việt. Phải chăng người đọc đang bị “đói” sách tiếng Việt hay, cũng như đang thèm bữa cơm với rau sạch, cua đồng tươi, cá sông tự nhiên, thèm làn gió trong lành từ những khu rừng nguyên sinh rợp bóng cây cổ thụ.

PV: Để văn học cho thiếu nhi trở nên sống động hơn, nhiều tác phẩm hấp dẫn hơn, theo bà cần phải làm gì?

LPL: Để viết được cho trẻ em không phải gặp khó ở nghệ thuật và chính là sự khó từ tâm can, từ tình cảm, từ sự rung động chân thật của người viết. Phải chăng vấn đề có một phần ở người đọc? Nhà văn Võ Quảng ngay từ năm 1982 đã cảnh báo: “Sự nhồi nhét tín hiệu đã làm cho phần tình cảm của các em bị lấn át, không phát triển. Trong một con người, phần tình cảm đó cũng không kém phần quan trọng hơn phần hiểu biết. Nếu tình cảm không được rèn luyện sẽ bị yếu đuối. Sự yếu đuối dễ đưa đến sự cằn cỗi về tâm hồn. Một tâm hồn cằn cỗi sẽ đưa đến sự ích kỷ nhỏ nhen. Những tâm địa ích kỷ nhỏ nhen sẽ đầu độc xã hội. Nó là mẹ đẻ của nhiều tai họa”.

Tôi nghĩ không thể có một lời khuyên chung nào cho các bạn trẻ bắt đầu khởi nghiệp văn học thiếu nhi, câu trả lời là từ trái tim của từng con người.

PV: Bà có kỳ vọng ở Ban Chấp hành Hội Nhà văn khóa mới để mong sớm phát động một Giải thưởng văn chương hằng năm nhằm khích lệ những tác phẩm - tác giả xuất sắc viết cho thiếu nhi?

LPL: Tôi hy vọng trong thời gian tới Ban Văn học thiếu nhi trong Hội Nhà văn Việt Nam sẽ được hoàn thiện trở thành Hội đồng Văn học thiếu nhi, khôi phục vị trí của văn học thiếu nhi trong Hội Nhà văn Việt Nam như thời nhà văn Vũ Tú Nam là Tổng Thư ký Hội. Tôi cũng rất vui với tin mà nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam tiết lộ mới đây rằng, đẩy mạnh Ban Văn học thiếu nhi, xin phép thành lập Quỹ Văn học thiếu nhi, thậm chí có giải thưởng cho văn học thiếu nhi.

Tuy vậy thiết nghĩ, người viết trước hết phải tự đòi hỏi mình một tâm thế chủ động sáng tác, sẵn sàng có sức bật khi cần thiết. Đồng thời các tác giả nên tự tạo cho mình một sức bền của bút lực nếu có ý định cống hiến lâu dài cho sự nghiệp văn học thiếu nhi.

PV: Xin cảm ơn bà!