Văn khoa tự làm mới

Xuất phát điểm đào tạo nghiên cứu, “văn khoa trường nhân văn” đang có những chuyển động mới, bám đời sống văn nghệ đương đại, có lợi hơn cho sinh viên. Đây là nét đáng chú ý trong bối cảnh đào tạo về ngành văn học nói chung có phần giảm sức hút với xã hội.

Lan tỏa giá trị nghệ thuật truyền thống.
Lan tỏa giá trị nghệ thuật truyền thống.

1. Thời gian qua, nhiều người không khỏi chạnh lòng khi nghe tin một số khoa đào tạo về văn học tại một số trường đại học phải… giải thể, do quá ít người học. Thực tế đang đòi hỏi các đơn vị đào tạo ngành này đổi mới và mở rộng các hoạt động, đặc biệt là hướng mạnh ra cuộc sống. Không quá sớm, nhưng Khoa Văn học - Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG Hà Nội đang có sự thay đổi. Đáng chú ý, ngoài chuyên môn đào tạo, là các hoạt động ngoại khóa và hợp tác hướng nghiệp.

Một trong những “điểm cộng” dễ nhận thấy, là việc Khoa Văn học kết hợp các đầu mối để tổ chức các chương trình nghệ thuật gần gũi với lĩnh vực văn học, như CLB văn hóa dân gian Folklore, Trung tâm Âm nhạc truyền thống Thăng Long… Một thí dụ, mới đây khoa đã phối hợp tổ chức cuộc thi “Tiếng nguyệt cầm Thăng Long”, giúp sinh viên biết đến nhiều hơn về các loại nhạc cụ truyền thống và hoạt động diễn xướng của các nghệ nhân, nghệ sĩ. “Chèo 48h” cũng là một dự án dài hơi được khoa kết nối nhằm gợi mở, truyền dạy bước đầu cho các bạn trẻ về nghệ thuật truyền thống như chèo, xẩm, chầu văn… Chị Đinh Thảo, đại diện ban điều hành “Chèo 48h” chia sẻ: “Cùng với khoa văn tổ chức các chương trình nghệ thuật là một sự hợp tác có hiệu quả. Tôi luôn cảm nhận được sự nhiệt tình, tâm huyết của các thầy cô, sự yêu thích năng động, ham học hỏi từ các bạn sinh viên. Tôi hy vọng trong tương lai sẽ được cùng khoa văn phối hợp tổ chức nhiều chương trình hơn nữa để đưa nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với giới trẻ”.

2. Gần đây, với sự hợp tác của một số cơ quan báo chí, xuất bản, Khoa Văn học đẩy mạnh các hoạt động liên ngành, hướng đến mục tiêu trang bị cho sinh viên những kỹ năng cần thiết nhằm đáp ứng các nhà tuyển dụng trong tương lai. Dự án hợp tác với Ban Văn học nghệ thuật (VOV6) - Đài Tiếng nói Việt Nam vừa khởi xướng, thu hút một bộ phận lớn sinh viên của khoa tham gia. Được biết, qua hai vòng tuyển chọn, đã có 24 sinh viên được lựa chọn hợp tác với VOV6, có sự hướng dẫn của giảng viên trong khoa và các phóng viên, biên tập viên để xây dựng các chuyên mục phát thanh mới. Cùng với đó là các chương trình hướng nghiệp với sự tham gia của đại diện các đơn vị như NXB Văn học, NXB Phụ nữ, Công ty văn hóa và truyền thông Nhã Nam, báo Kinh tế đô thị... Nhờ vậy, sinh viên văn học giờ đây đang được định hướng không chỉ nghiên cứu mà còn rèn luyện, tập dượt trong các lĩnh vực như truyền thông, báo chí, truyền hình, phát thanh, quảng cáo, xuất bản…

3. Chủ nhiệm khoa - PGS, TS Phạm Xuân Thạch nhận định, câu chuyện mở rộng ấy không phải là một cái gì mới mẻ, là cách tân hay phá cách, mà đó là điều tất yếu. Nếu cứ đứng im một chỗ, không thay đổi bản thân mình, không theo xu thế mới, thì một ngày không xa, khoa văn sẽ bị cuốn trôi khỏi dòng chảy của xã hội. Còn bạn Nguyễn Thị Lương, sinh viên năm thứ ba của khoa thì kỳ vọng: “Mình mong rằng các hoạt động tiếp theo của khoa sẽ hướng đến những trải nghiệm thực tế về công việc thuộc các ngành liên quan đến lĩnh vực văn học, thông qua việc tạo cơ hội cho sinh viên trở thành các thực tập sinh tại đơn vị tuyển dụng, giống như hoạt động hợp tác với VOV6 gần đây, tạo cơ hội việc làm cho sinh viên ngay khi còn ngồi ghế giảng đường”.

Khoa Văn học đã và đang mở rộng các môn học như “Nhập môn nghệ thuật điện ảnh”, “Chuyển thể kịch bản trong văn học nghệ thuật điện ảnh”… với sự tham gia của các nhà văn, nhà biên kịch, tạo cơ hội cho sinh viên khởi nghiệp.