Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa:

Văn học thiếu nhi chọn tôi

Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa hứng thú và hợp những hướng sáng tác mà không ít người cho là… khó. Ngoài những trang văn về lịch sử và hậu chiến còn phải kể đến truyện thiếu nhi. Sau truyện dài “Tay chị tay em” (NXB Kim Đồng, 2011) là hàng loạt tác phẩm dành cho các em như “Leng keng Noel”, “Công chúa nhỏ chăn cừu”, “Cút cà cút kít”, “Chiếc áo của Gián Đất”, “Chuyện kể ở lớp Cây Me”. Chị chia sẻ về sự hứng thú với những trang viết dành cho các em.

Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa.
Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa.

Phóng viên (PV): Tôi nhớ chị có chia sẻ dự định sẽ dành nhiều thời gian để viết cho thiếu nhi. Có vẻ như chị luôn muốn và thích thú với những câu chuyện cho trẻ con. Và cứ muốn là sẽ làm được?

Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa (NTKH): Nói văn học thiếu nhi chọn tôi thì đúng hơn. Khi bắt đầu viết, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ viết cho thiếu nhi. Thời gian đó, bạn đọc có thể gặp tôi xuất hiện nhiều trên các báo với các truyện ngắn đề tài phụ nữ, gia đình,... Chính tôi cũng không ngờ, cuốn sách đầu tiên của mình, truyện vừa “Tay chị tay em”, lại là một sáng tác cho trẻ con. Tôi viết quyển sách ấy khá tình cờ. Một lần, đọc “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” của nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần, tôi thích quá. Nghĩ: hay mình thử viết một câu chuyện về tuổi thơ mình, cũng theo cách dễ thương như vậy.

Nghĩ là làm. Trong vòng một tháng, sáng tác đầu tiên tôi dành cho thiếu nhi hoàn thành. Không ngờ sau đó lại được yêu thích. Biên tập thích. Bạn văn thích. Nhưng vui nhất, là các học trò nhí ở lớp học tôi dạy, những “bạn đọc ruột” của tôi cũng thích. Văn học thiếu nhi chọn tôi từ ngày đó. Tính đến nay, đã được gần 10 năm tôi làm người kể chuyện cho các em. Càng kể càng say sưa, càng vui.

PV: Cả hai tác phẩm “Chuyện kể ở lớp Cây Me” gần đây, và “Tay chị, tay em” ra đời cách đây gần chục năm tạm gọi là đều lấy “tứ” từ những điều đáng nhớ trong cuộc sống của chị. Có lẽ vì thế mà đọc “Tay chị, tay em” và nay là “Chuyện kể ở lớp Cây Me”, ta đều thấy gần gũi?

NTKH: “Tay chị, tay em” lấy cảm hứng từ chính tuổi thơ tôi. Hơn phân nửa nhân vật trong truyện là thật. “Chuyện kể ở lớp Cây Me” có các nhân vật hoàn toàn là động vật. Nhưng cũng được xây dựng từ nguyên mẫu thật. Tôi là cô giáo “Cò Hương” trong truyện. Còn 12 học trò lớp Cây Me được tạo thành từ những mảnh ghép tôi nhớ nhất của 12 thế hệ học trò đã đi qua lớp học tôi, ngoài đời thật.

PV: Một nhà văn đã từng chia sẻ về bí quyết đầu tiên để viết thành công cho thiếu nhi: Đó là viết về những điều ta thấy hiểu nhất, gần gũi, quen thuộc nhất. Có vẻ như chị cũng chia sẻ điều đó nên đọc tác phẩm nào viết cho các em cũng thấy tự nhiên, ấm áp, dễ chịu?

NTKH: Viết về những điều gần gũi, quen thuộc sẽ dễ chạm tới cảm xúc. Ngoài ra, khi sáng tác cho thiếu nhi, tôi hay hóa thân hoàn toàn thành một đứa trẻ. Trẻ nhỏ có thế giới quan, suy nghĩ rất khác biệt, độc đáo. Tôi may mắn được “sống” với cả “vương quốc trẻ nhỏ”. Nhờ có các học trò nhí, những hình mẫu lý tưởng, tôi “đóng vai” trẻ nhỏ cũng không đến nỗi nào.

PV: Có thể thấy chị khá “thức thời” khi qua những nhân vật Hổ Bông, Kiến Càng, Chuột Nhí, Voi Còi, Vẹt Cận của “Chuyện kể ở lớp Cây Me” dễ thấy những chi tiết gợi lên “hiện trạng” rất thật của không ít trẻ con trong đời sống hiện đại như chứng tự kỷ, cô độc, thừa cân, bắt nạt học đường, chứng cận thị vì xem tivi, chơi iPad, điện thoại…

NTKH: Những mẩu chuyện trong sách đều là tôi lượm lặt từ chính học trò mình. Tôi dạy học đã hơn 12 năm, tiếp xúc với các em hằng ngày, tôi thấy rằng trẻ con thời hiện đại cũng có lắm nỗi khổ. Áp lực học tập, thành tích, thực phẩm độc hại, mặt trái của công nghệ,... Tôi chỉ đơn giản tổng hợp lại những điều tôi nghe, tôi thấy. Hy vọng lớp Cây Me có thể giống một “xã hội trẻ con” thu nhỏ. Xã hội nào cũng có nhiều vấn đề. Nhưng trong lớp Cây Me, mọi vấn đề đều được giải quyết theo cách dễ thương đúng kiểu trẻ con. Đi kèm đó là những thông điệp về tình yêu thương, lối sống đẹp. Bồi dưỡng tâm hồn, giữ gìn trái tim biết yêu thương cho các em, đó luôn là nguyện vọng tôi tha thiết nhất.

PV: Năm nay thể nào Kim Hòa cũng sẽ có ít nhất một cuốn cho thiếu nhi. Chị định viết về điều gì?

NTKH: Tôi dự định sẽ viết một quyển sách về Phan Rang, nơi tôi sống. Có nhiều điều về cảnh quan, vật nuôi cũng khá thú vị. Tuy nhiên, năm nay, với riêng bản thân tôi, cũng là một năm tương đối khó khăn. Hy vọng mọi điều thuận lợi để quyển sách sớm ra đời.

PV: Cảm ơn Nguyễn Thị Kim Hòa!

Nguyễn Thị Kim Hòa, quán quân Cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 2013 - 2014, Giải nhất cuộc Vận động sáng tác văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch 2013 - 2015 do NXB Kim Đồng phối hợp Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Thụy Điển, Giải tư cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần thứ IV với truyện dài “Cửa sổ phía đông”.