Trong ngôi nhà trăm tuổi

Mới đây, tôi bất ngờ lặn lội vào tận Châu Đốc với ý nghĩ hãy đi xa một chuyến về phía tây An Giang. Sau khi rời khỏi chợ thành phố, tôi lên chiếc xe lôi đi vào làng Chăm bên kia sông Hậu. Thật thú vị khi được nghe bài ca “Tạm biệt mẹ” do chính một người Chăm hát trên bến Châu Giang.

Ngôi nhà cổ 150 năm của gia đình bà Ma-ri-em ở xóm Chăm.
Ngôi nhà cổ 150 năm của gia đình bà Ma-ri-em ở xóm Chăm.

1. Đây là lời hát trong câu chuyện kể lễ đón rể về nhà gái: “Ai ru hỡi. Ơi mẹ ơi/Mẹ thương lấy mối tình con/Con xin lời mẹ tha thứ/Mẹ ơi thấu lòng con ngày biệt ly…”. Tôi háo hức đi vào ấp người Chăm cứ như đi về nhà mình vậy.

Khải là anh bạn được giới thiệu làm quen với tôi đã chờ đón trên bờ sông Hậu. Anh hỏi tôi có định học làm người Chăm trong một ngày (theo tour homestay), hay chỉ đi chợ và dạo quanh làng dệt, rồi đưa tôi vượt qua chiếc cầu mới được bắc trên con kênh nhỏ. Đi dọc con đường người Chăm sống trên bờ sông Hậu, tôi như lạc vào thung lũng mầu xanh khác lạ, những ngôi nhà sàn chon von trên hàng cọc cao trống trải cùng với tiếng chuông ngân nga trong lời cầu nguyện an bình. Xa xa cánh đồng dâu bát ngát của làng dệt lụa Tân Châu cùng tiếng tằm rì rào ăn rỗi. Người dẫn đường đưa chúng tôi vào một gia đình ở ngôi nhà đã trải qua năm đời sinh sống. Ma-ri-em là chủ nhà. Bà có dáng người nhỏ nhắn với gương mặt hiền hậu. Hiện, gia đình bà mở cửa hàng bán lụa Tân Châu và vải thổ cẩm cùng những sản phẩm do người Chăm sản xuất. Ngôi nhà 150 tuổi của gia đình được đánh giá là cổ nhất trong ấp Phũm Soài này với những cột cái làm bằng gỗ mun chưa bao giờ mối mọt. Ngôi nhà ghi dấu bao đêm vang lên lời cầu nguyện của những người phụ nữ mong cho cuộc sống bình yên. Những ngọn nến bập bùng cháy sáng cùng lời ca về tình yêu và hạnh phúc.

Hiện, ở cửa hàng gia đình có khá nhiều mặt hàng khác nhau. Nổi tiếng ở đây là lụa Tân Châu gắn với thương hiệu Mỹ Á. Lúc này anh A-ri-phin con trai bà Ma-ri-em từ dưới nhà đi ra cho chúng tôi biết, mới năm ngoái nhà thiết kế thời trang Võ Việt Chung (TP Hồ Chí Minh) đã có những bộ áo dài dùng lụa Mỹ Á và đoạt giải thưởng trong cuộc thi ở Châu Đốc. A-ri-phin còn hứng khởi đọc cho tôi nghe câu ca dao xưa: “Bên nàng mặc lĩnh Mỹ Á/Đưa đò sang chợ tưởng xa hóa gần”. Bà Ma-ri-em tâm sự, xưa lụa Tân Châu còn được theo các thương lái chở đi bán ở nhiều nước trong khu vực và rất được ưa chuộng. Hiện, lụa Tân Châu vẫn được nhiều cô gái miền tây ưa mặc vì nuột nà, dịu dàng và mát mẻ.

Thật khó ngờ, tôi trở thành người Chăm trong gia đình này. Đầu tiên A-ra-phin hướng dẫn tôi cách mặc váy. Nghĩa là cuốn xà rông quanh người và dài đến tận gót chân. Anh nói đàn ông Chăm phải mặc váy ngay từ khi còn nhỏ và coi đó là thể hiện nam tính. Tôi bật cười hỏi sao mặc váy lại thể hiện nam tính. A-ra-phin giảng giải cộng đồng người Chăm ở đây theo chế độ mẫu hệ nên con gái cưới chồng. Cánh thanh thiếu niên lại thường diện váy thật nhiều hoa văn hoặc hình lạ mới được coi là người con trai chính hiệu. Họ phải mặc bộ cánh sao cho thật bắt mắt để được các cô gái chú ý tới.

2. Bà Ma-ri-em kể, con gái ra đường hay tiếp khách ngay trong nhà mình cũng phải đội khăn và chùm phủ trên đầu. Hơn nữa chiếc khăn quấn quanh cổ và buông dải khăn xuống ngang lưng. Đó là sự tinh tế và kín đáo tựa như nếp sống văn hóa thời trang của dân tộc Chăm. Ấy là chưa nói chuyện con gái đi đâu, nhất là buổi tối thường phải có người lớn đi cùng để giữ an toàn. Nên ở Tân Châu, con gái Chăm rất ít khi ra đường.

Thảo nào, tôi sực nhớ mới trưa hôm trước vào ấp người Chăm ở xã Đa Phước, gặp một anh bạn trẻ người Chăm tôi hỏi muốn chụp ảnh một số cô gái trẻ ở đây và đề nghị anh ta tập hợp hộ. Nhưng anh ta cười rất tươi rồi cho biết con gái ít khi được ra đường. Tôi bỗng thấy mình thật tẽn tò. Nhưng cuối cùng dịp may cũng đã đến. Khi đi ngược đường ra tôi chợt thấy có một cô gái Chăm đi xe đạp về làng. Thế là người đi xe ôm chở tôi quay trở lại một đoạn khá xa. Tôi chờ cô gái đến gần rồi chụp được vài kiểu. Cô gái chỉ mỉm cười nhìn tôi với ánh mắt vui nhưng vẫn pha chút trầm lắng với đôi mắt như giọt lệ sầu.

Nghe tôi kể lại hình dáng cô gái lướt qua, A-ri-phin cười rồi nhẹ nhàng nói, ngay các chàng trai Chăm muốn gặp được con gái không phải tùy tiện. Ai đó đi tìm gặp được cô gái mà mình yêu thường có nhiều cảm xúc khó tả. Nên trong cộng đồng người Chăm ở đây có bài dân ca cổ “Bóng em” mà thanh niên đều nhớ nhưng lại chỉ hát thầm trong lòng và mơ tới bóng em qua lời ca: “Kìa xa thấy thoáng ai trên đường/Lại đây! Bóng áo xanh đeo cườm lấp lánh/Đến nơi này/Hình như dáng em yêu, đang đi nhịp nhàng/Hình như dáng em…”.

Thật đúng tâm trạng của tôi lang thang trên đường làng. Khi qua phà Tân Châu sang đến đây cũng vậy, tôi chỉ gặp được một cô gái đang dệt lụa trong nhà. Khi bấm máy tôi nghĩ mình đã có được một hình ảnh cô gái Chăm đẹp nhất trong chuyến đi cùng với không khí êm đềm nhưng vẫn đầy bí ẩn. Ánh mắt đó thăm thẳm nỗi hẹn hò.