“Trồng cây - Gây sách”

Với mỗi cây đàn hương được trồng, thêm một tủ sách sẽ được xây dựng cho trẻ em nghèo Việt Nam và Ấn Độ. Đó là ý nguyện nhiệt tình vừa được khởi xướng trong phong trào đọc sách, lan tỏa văn hóa đọc.

Trẻ em sẽ có điều kiện tiếp cận thêm đầu sách nhờ các chương trình như “Trồng cây - Gây sách”. Nguồn báo Quảng Bình
Trẻ em sẽ có điều kiện tiếp cận thêm đầu sách nhờ các chương trình như “Trồng cây - Gây sách”. Nguồn báo Quảng Bình

1 . Đây là cuộc bắt tay nhiều gợi mở và kỳ vọng của chương trình “Sách hóa nông thôn” cùng Tập đoàn Đàn Hương Việt Nam và Viện nghiên cứu cây đàn hương và thực vật quý hiếm. Chương trình “Trồng cây - Gây sách” vừa được giới thiệu tại Hà Nội. Tiếp nối thành công của “Sách hóa nông thôn” và các hoạt động phát triển văn hóa đọc của nhiều cấp, ngành, địa phương, đơn vị thời gian qua, “Trồng cây - Gây sách” cho thấy tín hiệu của một mô hình phát triển nông nghiệp bền vững, vừa đem lại cơ hội đọc sách cho trẻ em nghèo.

Năm 2015, sau 18 năm nghiên cứu lý thuyết và áp dụng thực tế, chương trình “Sách hóa nông thôn” đã kêu gọi được xã hội nhân rộng hơn 40.000 tủ sách đến nhiều trường lớp, đặc biệt ở vùng nông thôn nghèo. Còn với cây đàn hương được mang từ Ấn Độ về Việt Nam, Tập đoàn Đàn Hương Việt Nam và Viện nghiên cứu cây đàn hương và thực vật quý hiếm đã dành nhiều năm giúp người nông dân, đặc biệt là những người nghèo của vùng núi như Tây Nguyên tăng thu nhập và cải tạo hàng nghìn ha đất rừng nhờ phổ biến canh tác giống cây mới cho giá trị kinh tế cao này. Mối duyên tạo nên “Trồng cây - Gây sách” đặt ra ba mục tiêu: kinh tế, khai trí và bảo vệ môi trường.

2. Được biết, bước đầu, mô hình “Sách hóa nông thôn” sẽ hợp tác Viện nghiên cứu cây đàn hương và thực vật quý hiếm cùng một số cá nhân ủng hộ xây dựng thí điểm 30 tủ sách tại Ấn Độ. Song song đó, người sáng lập mô hình “Sách hóa nông thôn” - anh Nguyễn Quang Thạch, trong chuyến đi vận động gây dựng tủ sách tại Ấn Độ, sẽ cùng các tổ chức giáo dục và thư viện ở bang Marahastra lập kế hoạch hành động kế tiếp. Thí dụ như tổ chức đi bộ từ Thủ đô New Delhi tới TP Mumbai để kêu gọi sách cho trẻ em Ấn Độ với sự tham gia của người Việt Nam, người Ấn Độ và các nước khác. Cụ thể hơn, có thể tổ chức đi bộ kêu gọi các nhà hoạt động trong lĩnh vực môi trường, thư viện… trên thế giới tham gia.

Nhằm hỗ trợ kinh phí xây dựng tủ sách ở Việt Nam và Ấn Độ, TS Vũ Văn Thoại đại diện Tập đoàn Đàn Hương Việt Nam cho biết: “Nếu bà con có sinh kế bền vững ngay trên mảnh đất của mình, sẽ hỗ trợ hiệu quả quá trình nâng cao dân trí. Bởi vậy, khi kêu gọi người dân góp đất trồng cây đàn hương, Tập đoàn Đàn Hương Việt Nam cam kết lợi nhuận thu được từ đất ít nhất mỗi năm 15 tới 20 triệu đồng, kèm theo tiền lương lao động mỗi ngày từ 150 - 170 nghìn đồng. Ngoài ra, mỗi một cây đàn hương trồng được thì chúng tôi cam kết trích lại ít nhất 20% lợi nhuận để ủng hộ việc xây dựng tủ sách cho trẻ em nghèo”. Tiếp theo đó chính là mục tiêu khuyến khích bà con trồng rừng, bảo vệ môi trường. Cũng theo phân tích của TS Vũ Văn Thoại, khi bà con có thu nhập và được mở mang dân trí nhờ đọc sách, thì ý thức giữ gìn bảo vệ môi trường cũng tăng lên, hạn chế sử dụng các loại hóa chất độc hại, gây ảnh hưởng tới chất lượng cây trồng, đất và môi trường.

Chương trình “Trồng cây - Gây sách” là sự kết hợp vì mục tiêu thiện nguyện cao cả”, TS Lê Công Lương, đại diện Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nhận định.