“Trẻ ngược” cho đến lúc ra đi...

Trong buổi viếng danh họa mỹ thuật kháng chiến Trần Lưu Hậu (1928 - 2020) vừa qua, họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam trân trọng: Danh họa Trần Lưu Hậu là một trong 22 họa sĩ đầu tiên của khóa kháng chiến (1950 - 1953) có sự đóng góp rất lớn cho sự thay đổi quan trọng của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Trong đó, họa sĩ Trần Lưu Hậu có một đóng góp đặc biệt cho xu hướng Mở cửa - Đổi mới và hiện tượng sáng tác “trẻ ngược”.

Họa sĩ Trần Lưu Hậu.
Họa sĩ Trần Lưu Hậu.

1. Trong đầu tôi chợt nhớ lại nhiều lần được trò chuyện với cố họa sĩ Trần Lưu Hậu bắt đầu từ 20 năm về trước. Tôi không được trực tiếp học hỏi cụ ở trường lớp bởi khi đó cụ đã ngoài tuổi xưa nay hiếm, nhưng kỳ lạ là vẫn đi khắp các vùng để sáng tác hằng năm. Mỗi năm cụ vẫn sáng tác, vẽ đều đặn khoảng từ 100 - 200 bức tranh. Nếu tính đến khi cụ tạ thế, thì trong vòng 20 năm cuối đời từ ngoại 70 cho đến ngoài 90 tuổi, lượng tác phẩm đạt đến không dưới… 3.000. Đó là điều làm cho bất kỳ họa sĩ nào cũng phải kinh ngạc!

Để lý giải tại sao mới có hiện tượng vậy, thì không phải ai cũng biết. Cụ nói với tôi rằng do thời gian làm nghề giáo (1962 - 1988) và tham gia công tác Hội Mỹ thuật Việt Nam (1983 - 1994) nên thời gian sáng tác không được nhiều. Bởi vậy, nên sau khi về hưu, cụ lại muốn vẽ nhiều ở khắp các vùng miền phía bắc, chủ yếu là núi cao và biển rộng, với loại tranh phong cảnh và chân dung, hoa, thực hiện bằng những luồng nét mầu nguyên sắc. Chính vì đi vẽ một mình hằng tháng trời mỗi năm, tích cực lao động sáng tạo như vậy, nên cụ mới cảm thấy sức khỏe và tư duy của mình không giảm sút mà lại có hiện tượng “trẻ ngược” mới lạ, mỗi năm tranh lại nhiều thêm, tươi mới thêm… Đó là điều mà những thế hệ sau nên học hỏi và thực hiện theo mỗi cách riêng.

“Trẻ ngược” cho đến lúc ra đi... ảnh 1

Tác phẩm “Phong cảnh nông thôn” - 1986.

2. Đánh giá về điều này, tôi được nghe lời của nhà giáo - nhà sưu tầm, nghiên cứu nghệ thuật Nguyễn Bá Đạm (năm nay cụ Nguyễn Bá Đạm 99 tuổi, cụ là bạn tương giao sâu đậm của các thế hệ danh họa từ thời mỹ thuật Đông Dương cho đến thời mỹ thuật kháng chiến, và Đổi mới về sau). Cụ Đạm nói rằng, ngoài dân gian, mọi người đều thích thú việc tôn vinh các nghệ sĩ tài năng thành “bộ tứ trụ”. Thí dụ, như thời mỹ thuật Đông Dương thì là các bộ tứ thế hệ thứ nhất là: Trí, Lân, Vân, Cẩn (Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn). Còn thế hệ thứ hai là: Nghiêm, Liên, Sáng, Phái (Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái). Cho đến thế hệ mỹ thuật kháng chiến, vì đông đảo các họa sĩ cống hiến liên tiếp, toàn sức toàn tâm cho sự thống nhất, giải phóng đất nước, nên “bộ tứ” tăng thêm thành “bộ lục”. Đó là sáu họa sĩ: Việt Hải (1934), Lê Huy Hòa (1932 - 1997), Lưu Công Nhân (1931 - 2007), Trần Lưu Hậu (1928 - 2020), Trọng Kiệm (1933 - 1991), Mai Long (1930).

Cho đến nay, tôi được biết “bộ lục” được dân gian tôn vinh vừa kể, thì đã có bốn họa sĩ nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật. Hai họa sĩ Việt Hải, Mai Long hiện vẫn đang còn khỏe. Một điều ít người biết nữa là, ngoài năm họa sĩ cùng khóa kháng chiến (1950 - 1953), thì duy nhất họa sĩ Việt Hải thuộc Khóa mỹ thuật mang tên danh họa - liệt sĩ Tô Ngọc Vân (1956 - 1958). Và sau đó, họa sĩ Việt Hải là họa sĩ của Báo Nhân Dân từ năm 1959 - 1976.

3. Về nhà giáo - danh họa mỹ thuật kháng chiến Trần Lưu Hậu, bạn bè, đồng nghiệp có rất nhiều chuyện để kể lại. Có một câu chuyện giản dị mà lại đặc biệt mà tôi trực tiếp được nghe cụ chia sẻ. Một lần, tại xưởng họa của cụ tại ngõ Yết Kiêu (phố Yết Kiêu - Hà Nội), sau khi xem tranh Tết mới của cụ, ngồi lại thưởng trà. Đột nhiên cụ hỏi tôi: Vì làm nghề giáo lâu năm, nên tôi mới nhận ra được là trong năm điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng, điều nào là quan trọng nhất. Chính vì thực hiện triệt để điều ấy hằng ngày, nên tôi mới duy trì được sức “trẻ ngược” đấy. Đố cậu là điều nào? Đợi một lúc, thấy tôi lúng túng, cụ Trần Lưu Hậu cười xòa phân tích: Đó là điều thứ tư: Giữ gìn vệ sinh thật tốt. Tôi nghĩ quan trọng hơn hẳn so với bốn điều còn lại, bởi vì, bốn điều kia, điều nào cũng có hai đến ba vế, đánh dấu phẩy để thực hiện tốt. Còn điều thứ tư này, cả câu chỉ có một vế thực hiện thôi, Bác còn nhấn mạnh rằng phải làm “thật tốt”.

Một lúc sau, cụ Hậu phân tích kỹ thêm cho tôi nghe, tại sao cụ chọn điều đó, để thực hiện hằng ngày liên tục, mặc dù mình đã trở thành “nhi đồng già” rồi. Bởi vì theo cụ hiểu, chữ “vệ sinh” nghĩa đầy đủ không chỉ là việc “làm sạch cá nhân” đâu, mà với người lớn, người trưởng thành rồi, thì rộng ra còn là việc “bảo vệ sự sống, hướng tới cộng đồng”, phải luôn luôn nghĩ và làm cho thật tốt ở trong sáng tạo, vận động hằng ngày...