Trả nợ ân tình với núi

Nhà văn Hoàng Anh Tuấn vừa in tập truyện ngắn “Chín bậc nhớ thương” (NXB QĐND). Tiếp tục mạch truyện ngắn về Lào Cai, nhà thơ quê gốc Nam Định, công tác trong ngành công an này cho thấy sức viết bền bỉ về mảng đề tài mà nhiều tác giả đã khẳng định tên tuổi. Thời Nay có cuộc trò chuyện với anh.

Nhà thơ Hoàng Anh Tuấn trình diễn tại Ngày thơ Việt Nam 2019. Ảnh: VŨ DUY
Nhà thơ Hoàng Anh Tuấn trình diễn tại Ngày thơ Việt Nam 2019. Ảnh: VŨ DUY

Phóng viên (PV): Tên tập truyện ngắn khá ấn tượng. Tại sao anh lại chọn tên này?

Nhà văn Hoàng Anh Tuấn (HAT): Tôi sinh ra ở Nam Định nhưng lớn lên ở Lào Cai, nơi đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc miền núi. Tôi tốt nghiệp Học viện Cảnh sát nhân dân và đã có 15 năm gắn bó với địa bàn, với cơ sở, với người dân. Tôi cũng từng là cán bộ công an phụ trách xã Nghĩa Đô, một xã thuần nông bên dòng suối Nậm Luông, đây cũng là cái nôi văn hóa Tày của huyện Bảo Yên. Người Tày xã Nghĩa Đô ở nhà sàn cột gỗ, lợp mái cọ, muốn lên nhà phải bước trên chín bậc cầu thang. 

Tôi đã đi không biết bao nhiêu lần trên chín bậc cầu thang, mà tôi gọi chín bậc cầu thang duyên nợ, nghĩa tình và khi rời xa thì tôi nhớ thương vùng đất và con người ấy đến nao lòng. Tôi ở nhờ nhà dân, chính là ngôi nhà trong truyện ngắn này, ngôi nhà có một cô gái tên Liêu và những nỗi niềm tuổi trăng tròn mới lớn đầy mơ mộng.

PV: Một nhà thơ dành những gì cho tập truyện ngắn của mình với những kỳ vọng nào chăng?

HAT: Tôi làm thơ và có thơ đăng báo năm tôi học lớp 6 cho đến tận bây giờ. Nhưng tôi muốn thử sức bằng truyện ngắn, để khám phá mình và cũng để nói hộ người khác - những người tôi đã gặp đâu đó trong cuộc đời này thông qua những câu chuyện vừa nhẹ nhàng, đẹp đẽ, vừa xao xuyến, bâng khuâng. 

Tôi cũng mới bắt đầu viết văn năm 2017, có người bảo tôi, truyện tôi viết không có cao trào, thắt mở, nó giống một tản văn hơn. Nhưng biết làm sao được, khi tôi chỉ có thể kể như thế, hoặc có thể do người làm thơ thì tư duy văn xuôi sẽ không thể như người viết văn. Nhưng tôi nghĩ cứ kể đi, khi mình còn muốn kể dù chỉ một người nghe, viết rất thoải mái, thậm chí hồn nhiên nữa là khác. Tôi mong tôi sẽ giữ được đam mê để có thể làm một người kể chuyện theo cách riêng của mình.

PV: Đọc truyện ngắn “Chín bậc nhớ thương” của anh tôi thấy có những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào vùng cao. Là công dân 8X ở miền đất này, theo anh mỗi người trẻ cần làm gì để góp phần giữ gìn nét văn hóa đặc trưng?

HAT: Tôi thấy cần kể thì cứ kể vậy thôi. Tôi nghĩ bất cứ ai cũng đừng nên thờ ơ, bàng quan với sự vật, hiện tượng quanh ta. Mỗi thứ luôn chứa đựng một số phận, một câu chuyện, họ có kể cho ta nghe hay ta có nghe thấy họ nói hay không thôi. Việc của nhà văn là kể làm sao cho câu chuyện đừng dở. Điều đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố, mà yếu tố tài năng và sự lao động miệt mài sẽ cho ta một câu trả lời xác đáng. 

Tôi nhớ có một câu nói đại ý là đi tận cùng dân tộc sẽ gặp cộng đồng, đi tận cùng đam mê sẽ gặp lòng người. Nếu bạn yêu tiếng nói, yêu bản sắc - bản sắc có thể là ngôi nhà sàn có cái cầu thang chín bậc nhẵn bóng, là cái áo chàm có dải thắt lưng xanh mầu lá mạ, là dáng mẹ, dáng bà đợi ta trở về… - thì dù ta có đi cùng trời, cuối đất thì ta sẽ biết yêu cội nguồn, xứ sở này, luôn biết cách để tự hào và giữ gìn bản sắc, như giữ đôi tay và tấm lòng sạch như vừa rửa nước máng vầu. Tôi vẫn đang đi tìm, với tư cách của một người viết, để trả nợ một món nợ ân tình với miền đất tôi đã sống, với con người tôi đã gặp.

PV: Anh làm gì để tạo sự khác biệt với nhiều cây bút khác ở Lào Cai?

HAT: Tôi nghĩ rằng mỗi người đã là những cá thể khác biệt rồi. Chúng ta không nên mặc đồng phục lên sự khác biệt, nếu không muốn thấy sự nực cười. Hãy cứ là mình nếu muốn khác biệt. Còn viết văn, chẳng ai cầu danh vọng hay tiền bạc ở đây, thì hãy cứ lao động với một niềm đam mê, như đi bộ trên một con đường chưa biết đích đến, mệt thì nghỉ, đỡ mệt lại đi tiếp. Chỗ đến của văn chương là ở lòng người. Tôi là người duy mỹ, nên văn là phải đẹp đã, rồi mới bàn đến yếu tố khác như cốt truyện, chi tiết, hình ảnh, thủ pháp... Có được một đam mê cũng đáng để sống rồi! 

PV: Xin cảm ơn và chúc anh nhiều thành công!