Tìm cách lôi cuốn các nhạc sĩ trẻ

Xây dựng đội ngũ kế cận trẻ, tài năng, tâm huyết là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiều năm qua. Đặc biệt, nhiệm kỳ mới 2020 - 2025 này, “Cần có một thế hệ trẻ để đi tiếp những bước đường dài” là khẳng định của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam vừa được tín nhiệm tái đắc cử.

Tìm cách lôi cuốn các nhạc sĩ trẻ

Phóng viên (PV): Sự xuất hiện của nhiều gương mặt trẻ trong ban chấp hành liệu có dẫn tới nguy cơ xáo trộn không khi tuổi trẻ thường có nhiều quan điểm mới, cách làm táo bạo?

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân (ĐHQ): Việc trẻ hóa này, tôi nghĩ không cần phải lo lắng nhiều bởi lẽ không phải bất cứ cái gì cất lên âm thanh đều là âm nhạc. Âm nhạc có quy luật rất chung, tuy nhiều trường phái, phong cách ngôn ngữ, từ cổ kim, đông sang tây thì đều có cách biểu hiện chung là nốt nhạc. Viết được nhạc mới thì cũng phải dựa trên nền tảng cơ bản của âm nhạc. Muốn viết được một ca khúc ngắn hay một bản giao hưởng thì ngoài việc hiểu được văn hóa âm nhạc nói chung thì còn phải nghiên cứu hiểu biết cội nguồn di sản văn hóa âm nhạc dân tộc cha ông để lại từ dân ca đến tiết tấu, phong tục… Nếu không đi vào đường ray đó mà lấy tiếng kẻng, tiếng đá đập, suối chảy ghép vào nhau thì cái họ tạo ra chỉ được gọi là âm thanh chứ không phải âm nhạc.

Có nhiều tấm gương nhạc đương đại như Nguyễn Thiện Đạo, Tôn Thất Thuyết, Lân Tuất… họ đi theo con đường đương đại, có cách thức trình diễn mới, ngôn ngữ mới nhưng trong đó vẫn phải có cái cơ bản là cái gốc của âm nhạc.

Vì thế tôi luôn tin rằng với nhạc sĩ trẻ tâm huyết, tài năng thì không thể nào đi khác con đường từ dân tộc đến công chúng; vẫn lấy đề tài tư tưởng chính về nhân văn, nhân dân, chủ nghĩa yêu nước là đề tài chính trong sáng tác của mình.

Tìm cách lôi cuốn các nhạc sĩ trẻ -0
Hội nhạc sĩ Việt Nam mong muốn quy tụ nhiều nghệ sĩ trẻ tham gia các hoạt động. 

PV: Việc thay đổi này phải chăng cũng nhằm để hướng tới mục tiêu thu hút hội viên trẻ?

ĐHQ: Cùng với việc nâng cao được chất lượng sáng tác để có được nhiều công trình, tác phẩm có giá trị về nghệ thuật, Hội cũng không thể quên việc phát triển hội viên mới tại các chi hội. Bởi các chi hội chính là những cánh tay nối dài, những hạt nhân, động lực cho sự phát triển của Hội. Nhưng có một điều đáng mừng là trong nhiệm kỳ vừa qua chúng tôi đã có một bước phát triển từ 1.200 hội viên lên 1.500, trong đó có rất nhiều người trẻ. Đây là các bạn tốt nghiệp đại học về sáng tác, lý luận, biểu diễn nhạc cụ dân tộc, thanh nhạc. Lực lượng trẻ giúp Hội là có được lực lượng biểu diễn để triển khai những buổi biểu diễn lớn. Việc phát triển các hội viên mới, đặc biệt là các hội viên trẻ cũng nhằm lấp khoảng trống về lực lượng nhạc sĩ viết khí nhạc.

Thực tế hiện nay, người trẻ không chú trọng vào việc viết nhạc không lời mà trong âm nhạc lại đang cần phải có đủ khí nhạc và thanh nhạc. Bản thân trong thanh nhạc cũng lại có một vấn đề là các nhạc sĩ trẻ người ta viết nhạc POP, hướng ngoại nên dẫn đến việc nhiều tác phẩm lệch lạc về nội dung. Nhưng vấn đề kiểm duyệt lại vượt quá thẩm quyền của Hội mà thuộc về các cơ quan quản lý của Nhà nước. Chính vì vậy trong nhiệm kỳ mới, Hội sẽ tập trung để làm sao lôi cuốn được các nhạc sĩ trẻ, góp phần định hướng, hỗ trợ các bạn trẻ để có được những sáng tác có ích cho đời sống xã hội, xa hơn nữa là có được những tác phẩm có thể lưu truyền được lâu dài.

PV: Thời gian qua, có nhiều cuộc thi âm nhạc đã được tổ chức nhưng dường như tác phẩm có thể lay động lòng người vẫn hiếm?

ĐHQ: Sáng tác những tác phẩm đỉnh cao, lay động lòng người là nhiệm vụ chung của cả giới sáng tạo chứ không chỉ riêng với âm nhạc. Tất cả các giới văn học nghệ thuật đều phải phấn đấu để có được những tác phẩm lớn, mà để có được những tác phẩm lớn thì ngoài cái tài năng của cá nhân còn đòi hỏi cả sáng tác, thời cuộc, không khí của xã hội. Theo tôi, để có được một tác phẩm hay, lay động được tinh thần của nhân dân, đòi hỏi rất nhiều ở chính tài năng của người sáng tác, cũng như thời điểm ra đời.

PV: Tại thời điểm này có hay không khái niệm nhạc thị trường?

ĐHQ: Có một thực tế là có người viết nhạc thành ra như tác giả không biết nhạc. Đây là hiện tượng có thật. Bởi tác giả trẻ hiện nay đa phần chạy theo trend- xu hướng nghe của công chúng. Tác phẩm của họ sáng tác căn cứ vào lượng yêu thích, lượng view, lượng fan hâm mộ và rộng hơn là theo cơ chế thị trường. 

Trong môi trường kinh tế thị trường đó thì âm nhạc trở thành hàng hóa mà đã là hàng hóa thì phải theo quy luật của thị trường. Đây là một hiện tượng mình phải công nhận là có thật, nó đang hoạt động. Hiện tượng này còn “lấn sân” sang cả các hoạt động phim ảnh, sách báo, tranh ảnh…

Nhưng còn làm thế nào để mà định hướng lại, khắc phục những thứ đó thì phải là cả một chiến lược dài hạn có sự chung tay của nhiều đơn vị liên quan.

PV: Xin cảm ơn nhạc sĩ!