Tiếp cận tốt “báu vật nhân văn sống”

Lần đầu tiên, khái niệm về “Nghệ nhân Thực hành di sản văn hóa phi vật thể” (DSVHPVT) đã được đưa ra trong cuốn sách cùng tên dày gần 300 trang của TS Phạm Cao Quý. Trong đó là những phân tích, góp ý thiết thực về các chính sách đối với các nghệ nhân, những  “báu vật nhân văn sống”. TS Phạm Cao Quý có dịp trao đổi ý kiến với phóng viên Thời Nay về cuốn sách mới ra mắt.

Nghệ nhân thực hành then tại Ngày hội Di sản văn hóa Việt Nam. Ảnh: LÊ MINH
Nghệ nhân thực hành then tại Ngày hội Di sản văn hóa Việt Nam. Ảnh: LÊ MINH
Tiếp cận tốt “báu vật nhân văn sống” -0
 

Phóng viên (PV): Đâu là động lực để anh viết cuốn sách này?

TS Phạm Cao Quý (PCQ): Không nhiều người nghiên cứu về nghệ nhân với vai trò là người nắm giữ, thực hành, sáng tạo và truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể, vì vậy cuốn sách một phần nghiên cứu, nhận diện về họ một mặt khác để tri ân họ bởi không có họ thì không có di sản. Thực chất, “Nghệ nhân là người nắm giữ và thực hành ở trình độ cao những hiểu biết, kỹ năng, kỹ thuật về di sản văn hóa phi vật thể”. Nghệ  nhân thực hành DSVHPVT là người được kế thừa, nắm giữ di sản của cha ông truyền lại cho thế hệ mai sau và được ví như những “báu vật nhân văn sống”, “bảo tàng sống”, “kho tàng di sản văn hóa sống” mà không thể có hình thức vật chất nào thay thế.

PV: Giá trị sử dụng của cuốn sách là gì thưa anh?

PCQ: Cuốn sách đưa ra khái niệm về nghệ nhân thực hành DSVHPVT và có tính lý luận cơ bản về DSVHPVT. Từ đó giúp những người làm nghiên cứu, quản lý văn hóa các cấp, nhận diện rõ ràng được đối tượng của mình và có những chính sách nhằm ứng xử phù hợp đối với vấn đề DSVHPVT theo đúng nghĩa kiến tạo để DSVHPVT được bảo vệ và phát huy. Chứ từ trước tới nay chúng ta đang áp dụng chính sách đối với các loại hình DSVHPVT một cách khô cứng, rập khuôn, chưa trúng và chưa đầy đủ.

Cuốn sách cũng là tài liệu học tập hữu ích cho các trường, các bộ môn liên quan cùng các cán bộ làm công tác nghiên cứu văn hóa. Mục đích sống của con người được phân tích rõ ràng với những tầng tháp nhu cầu của bản thân. Tôi áp dụng lý thuyết đó để thể hiện nhu cầu của các nghệ nhân DSVHPVT, để khẳng định rằng nhu cầu được thể hiện bản thân, thể hiện, thực hành các biểu hiện của di sản văn hóa phi vật thể để các giá trị, biểu hiện của di sản được trao truyền từ các thế hệ đi trước là nhu cầu cao nhất của các nghệ nhân đó.

PV: Từ góc độ cơ sở lý luận trong cuốn sách cho thấy sự thiếu hụt, bất cập, chưa đúng hướng trong việc xây dựng chính sách đối với nghệ nhân thực hành DSVHPVT?

PCQ: Đúng vậy! Sự chồng chéo, bất cập đang thể hiện rõ ở nhiều phương diện trong đó nổi bật nhất là việc phong tặng danh hiệu NNND, NNƯT. Nó thể hiện ở cách thức tổ chức phong tặng. Khi Bộ Công thương phụ trách phong tặng trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phụ trách phong tặng mảng DSVHPVT mặc dù nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống là một trong các lĩnh vực thuộc DSVHPVT. Kết quả là có hai nghị định về xét tặng NNND, NNƯT được ban hành, dẫn đến việc cùng danh hiệu nhưng có hai hệ thống xét tặng. Đó là Nghị định số 62/2014/NĐ-CP ngày 25-6-2014 quy định về xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực DSVHPVT và Nghị định số 123/2014/NĐ-CP ngày 25-12-2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ. Tiêu chí để xét danh hiệu của hai nghị định này có những điểm khác biệt trong khi cùng hướng đến một danh hiệu. Tiêu chí xét danh hiệu quy định trong Nghị định số 62/2014/NĐ-CP có tính định tính cao trong khi tiêu chí quy định trong Nghị định số 123/2014/NĐ-CP tập trung nhiều vào tính định lượng, sản phẩm, thành tích cụ thể. Thực tế các nghệ nhân không phải ai cũng có các sản phẩm được tiêu chuẩn của Nghị định số 123/2014/NĐ-CP, thậm chí rất khó hoặc không có, trong khi họ vẫn mải miết gìn giữ văn hóa truyền thống của mình bằng việc sáng tạo, gìn giữ và phát huy các sản phẩm đặc trưng của dân tộc như trang phục, nhạc cụ truyền thống… nhưng lại không có quy định cụ thể xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT đối với loại hình nghề thủ công truyền thống.

PV: Vậy theo anh, khung chính sách đối với nghệ nhân thực hành DSVHPVT cần đạt những điều gì?

PCQ: Cần xây dựng một hệ thống chính sách toàn diện, hiệu quả, liên ngành để hỗ trợ nghệ nhân thực hiện tốt nhất các hoạt động: Kế thừa, Thực hành, Truyền dạy và Tái sáng tạo DSVHPVT, sáng tạo các giá trị văn hóa mới. Thúc đẩy hoạt động thực hành DSVHPVT thường xuyên, liên tục và gắn bó mật thiết tới các mặt của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của cộng đồng. Đồng thời khuyến khích được sự tham gia của người dân, của các bộ phận xã hội vào các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Cần gắn kết chính sách đối với nghệ nhân, chính sách bảo vệ và phát huy giá trị DSVHPVT với các chính sách, chương trình về kinh tế, văn hóa, xã hội.

Bên cạnh đó, duy trì sự hỗ trợ kinh phí cho những hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị của di sản. Ưu tiên tập trung cho hoạt động truyền dạy, tạo không gian, điều kiện thực hành DSVHPVT tại cộng đồng. Coi kỹ năng, kỹ thuật, hiểu biết của nghệ nhân là một nguồn lực quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Gắn kết DSVHPVT với công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo. Áp dụng khoa học, công nghệ thông tin vào việc nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa, quảng bá về DSVHPVT và nghệ nhân và khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp vào hoạt động hỗ trợ, khai thác các nguồn lực là các DSVHPVT do nghệ nhân đang nắm giữ. Nói tóm lại, chính sách nên thực chất, gần với thực tế, có tính khả thi cao chứ không nên ra nhiều văn bản mà hiệu quả thấp.

PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!