Thơ Hồ Xuân Hương, những mẫu gốc ám gợi

Thơ Nôm của Hồ Xuân Hương (HXH) đậm chất phong tình và tâm thức phản kháng, mang khát vọng hạnh phúc và tự do, không chỉ vang dội trong thời đại của bà, mà có sức sống mãnh liệt, liên tục lan truyền, chiếm lĩnh tâm thức và tình cảm người đọc đương đại.

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương, tranh của họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn.
Nữ sĩ Hồ Xuân Hương, tranh của họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn.

1. Người viết bài này xin nêu một vài suy nghĩ về thơ Nôm của HXH dưới góc nhìn mẫu gốc, nhằm góp thêm ý kiến về một gương mặt thơ tiêu biểu nhất của văn học trung đại Việt Nam.

Trước tiên, xin đề cập đến tín ngưỡng phồn thực, nơi căn nguyên làm hiển lộ những mẫu gốc trong thơ bà. Đọc thơ HXH dù chỉ một vài bài, thậm chí một đôi câu, ta bỗng thấy hiện lên trước mắt cả hệ thống hình ảnh trực tiếp hoặc gián tiếp ám gợi về đời sống phồn thực, vạn vật sinh sôi. Đọc thơ bà, ta thường liên tưởng ngay đến những trò chơi ngôn ngữ từ xa xưa, như đố tục giảng thanh, đố thanh giảng tục, hay những câu ca dao đặc trưng tín ngưỡng phồn thực của người Việt…

Tín ngưỡng phồn thực chính là căn nguyên làm hiển lộ những mẫu gốc trong thơ HXH. Trong tác phẩm thơ Nôm của bà hiển thị một số mẫu gốc, nhưng tôi khảo sát hai mẫu gốc cơ bản nổi bật: mẫu gốc thiên nhiên Bắc Bộ và mẫu gốc phụ nữ Việt xưa. Hai mẫu gốc này tựa hai cây cột cái chống đỡ ngôi nhà thơ kiên cố và rộng lớn của HXH. Chúng luôn hoán chuyển ngữ nghĩa cho nhau, ám gợi tín ngưỡng phồn thực, làm nên một thi giới đặc biệt có một không hai không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới.

2. Ở mẫu gốc thiên nhiên Bắc Bộ, hình ảnh làng quê như: giếng khơi, lá trầu, đám rêu, khe nước, hòn cuội, ghềnh thác… thường hiện ra sống động, đầy gợi cảm. Xin được nói thêm, cha của HXH là ông Hồ Phi Diễn, ở làng Quỳnh Đôi (Nghệ An), mẹ của bà họ Hà, quê ở Hải Dương. Nhưng bà lớn lên và chịu ảnh hưởng sâu sắc văn hóa vùng châu thổ sông Hồng, đặc biệt trong thơ bà thể hiện cốt cách của miền đất Thăng Long kinh kỳ.

Thiên nhiên trong thơ bà thể hiện đa dạng hình bóng và sắc thái các miền quê Bắc Bộ. Bài thơ “Vịnh giếng” có lẽ được thi sĩ viết khi còn rất trẻ, hiện ra mầu sắc tươi non mơn mởn trong nhịp điệu gấp gáp, tinh nghịch của thiếu nữ vừa bước vào tuổi cập kê: “Cầu trắng phau phau hai ván ghép/Nước trong leo lẻo một dòng thông/Cỏ gà lún phún leo quanh mép/Cá diếc le te lội giữa dòng”.

Những bài thơ về thiên nhiên của HXH, đặc biệt những bài mang địa danh cụ thể đều mang tinh thần sáng tạo của Thánh Mẫu trong tín ngưỡng Đạo Mẫu. Trong bài thơ “Hang Cắc Cớ” cho thấy ánh sáng của bà mẹ quyền năng mang tính khởi nguyên của “con người vũ trụ”. “Trời đất sinh ra đá một chòm/Nứt làm đôi mảnh hỏm hòm hom/Kẽ hầm rêu mọc trơ toen hoẻn/Luồng gió thông reo vỗ phập phòm”. Hay câu thơ “Nứt ra một lỗ hỏm hòm hom” trong bài “Động Hương Tích” tác giả đã khêu gợi hình bóng buổi tạo thiên lập địa làm nên vẻ đẹp kỳ thú của thiên nhiên gợi nhắc đến sự hoài thai, sinh nở của kiếp người.

Có lẽ điều đặc biệt trong thơ HXH, khác với những nhà thơ trung và cận đại khi nói về thiên nhiên, là tác giả thường xuất hiện ở ngôi thứ hai. Ngôi vị này, nhà thơ trở thành một “đối tác”, “bạn tình” của nhân vật có tên “thiên nhiên”. Do vậy, thiên nhiên trong thơ HXH thường hiện ra đầy nhục cảm, gợi mời: “Lườn đá cỏ leo sờ rậm rạp/Lách khe nước rỉ mó lam nham” (Hang Thánh Hóa); “Cửa son đỏ loét tùm hum nóc/Hòn đá xanh rì lún phún rêu” (Đèo Ba Dội).

3. Mẫu gốc nổi bật thứ hai trong thơ HXH là phụ nữ Việt xưa. Hình tượng người phụ nữ trong thơ bà thường hiện lên với số phận bé mọn, bất hạnh, đầy trắc trở và khổ đau trong tình duyên và hôn nhân, nhưng luôn nhẫn nhịn và giàu lòng vị tha, bác ái. Bà dám trực diện đấu tranh cho quyền của phụ nữ, phản kháng quyết liệt và trần trụi, chia sẻ tận cùng với những số phận bất hạnh của nữ giới trong xã hội cũ: “Chém cha cái kiếp lấy chồng chung/Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng” (Lấy chồng chung).

Để lột tả đa dạng chân dung của người phụ nữ Việt xưa, HXH thường xưng hô ở ngôi thứ nhất với tâm thế bi hài pha chút khêu gợi, mỉa mai xen với mời mọc, lạnh lùng đan với chua xót…

Xin nêu một khảo sát nhỏ cho thấy cách xưng hô độc đáo, hóm hỉnh của nhà thơ HXH. Một số bài thơ bà xưng “em”: “Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn/Nhưng em vẫn giữ tấm lòng son” (Bánh trôi nước); “Của em bưng bít vẫn bùi ngùi/Nó thủng vì chưng kẻ nặng dùi” (Trống thủng).

HXH xưng “chị”: “Này này chị bảo cho mà biết/Chốn ấy hang hùm chớ mó tay” (Trách Chiêu Hổ).

Tác giả xưng “thiếp”: “Cái tội trăm năm chàng chịu cả/Chữ tình một khối thiếp xin mang” (Không chồng mà chửa).

Xưng chính danh “Xuân Hương”: “Này của Xuân Hương đã quệt rồi”.

Có lúc nhà thơ xưng “thân này”: “Thân này đâu đã chịu già tom”

(Tự tình).

Hoặc bà xưng hô một cách lửng lơ “đây”: “Ví đây đổi phận làm trai được/Thì sự anh hùng há bấy nhiêu” (Miếu Sầm thái thú)…

Cách xưng hô của HXH ngoài mục đích xác định vị thế của tác giả, ta còn thấy thái độ đấu tranh không khoan nhượng của bà vì quyền của phụ nữ trong một xã hội phong kiến cổ hủ, đang suy tàn.

Hai mẫu gốc nổi bật làm nên một thế giới thơ HXH riêng biệt và độc đáo. Các mẫu gốc thường đan xen, ảnh hưởng lẫn nhau. Nhưng trong trường hợp thơ HXH, hai mẫu gốc thiên nhiên và người nữ đã soi chiếu cho nhau, là hình bóng của nhau, cùng song hành trong tâm lý ngạc nhiên, háo hức của người đọc. Cả hai mẫu gốc đều mang áp lực lớn và cường độ mạnh đến mức, khi chạm vào mẫu gốc này, bạn đọc lập tức liên tưởng đến mẫu gốc kia, và ngược lại. Các mẫu gốc, dưới góc nhìn sáng tạo, tự nó luôn trống rỗng và hoàn toàn độc lập. Nhưng khi được tôi trong “lò luyện đan” của nghệ sĩ thì nó được tái sinh trong những hình thức và tinh thần hoàn toàn mới mẻ.

Thơ HXH được khởi sinh từ những mẫu gốc bắt nguồn từ văn hóa dân tộc Việt, từ tập tục dân gian được thể hiện sinh động trong ca dao, ngụ ngôn, hò vè, đố tục giảng thanh, đố thanh giảng tục… Nữ sĩ HXH sẽ mãi “Trơ cái hồng nhan với nước non” (Tự tình).