Thanh âm tỳ bà kể chuyện thế hệ trẻ

Phan Thủy có nickname “Sầu riêng”, bởi chị quan niệm nó cũng giống như nhạc cụ dân tộc nói chung, đàn tỳ bà nói riêng. Sầu riêng gai góc nhưng lại ngọt ngào, có người không thích ăn vì ấn tượng ban đầu nhưng ai yêu thích thì lại luôn nhớ và không thể nào quên…

Nghệ sĩ Phan Thủy.
Nghệ sĩ Phan Thủy.

Buồn vui nhắn gửi qua tiếng đàn

Phan Thủy là gương mặt nghệ sĩ 9X quen thuộc với công chúng ở bộ môn đàn tỳ bà. Tài năng của chị đã được khẳng định từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường với việc giành được Huy chương vàng Cuộc thi Hòa tấu nhạc cụ dân tộc thành phố Hà Nội năm 2007, Huy chương bạc Cuộc thi Độc tấu nhạc cụ dân tộc thành phố Hà Nội năm 2009 và Huy chương vàng Hội thi tài năng trẻ học sinh, sinh viên các trường văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch toàn quốc năm 2012 (giải tập thể)…

Chị cũng đã tham gia biểu diễn nhiều chương trình cấp quốc gia và quốc tế như Ngày văn hóa Việt Nam tại Hà Lan năm 2014, Tuần lễ Việt Nam tại Leipzig Đức năm 2019, Lễ hội văn hóa và du lịch tại Seoul Hàn Quốc năm 2019... Gần đây, chị đã chơi đàn tỳ bà cùng dàn nhạc trong chương trình nghệ thuật “Dâng Người tiếng hát mùa xuân” nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh cho các ca khúc “Từ Làng Sen”, “Lời ca dâng Bác”, “Người là niềm tin tất thắng”.

Phan Thủy đến với tỳ bà khá muộn, bởi trước đó chị từng thử sức với nhiều loại hình như múa, võ, hát, đàn violin… Thậm chí trong buổi học đầu tiên khi đến Nhạc viện Hà Nội (Nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) chị vẫn nghĩ sẽ được học đàn tranh nhưng do sự nhầm lẫn của mẹ chị khi đi đăng ký nên chị đã vào lớp đàn tỳ bà của NSND Mai Phương. Rồi qua sự chỉ dạy của NSND Mai Phương và giảng viên Vũ Diệu Thảo, Phan Thủy đã phát huy được năng khiếu sở trường của mình. Các cô không chỉ trao “ngón nghề” mà còn khơi dậy ở học trò tiềm năng, sự sáng tạo và truyền ngọn lửa nhiệt huyết với cây đàn tỳ bà.

Ngoài chơi đàn tỳ bà, Phan Thủy còn thành thạo một số nhạc cụ như sáo, tam thập lục, T’rưng, trống dân tộc, K’rông Put, đàn bầu. Chị chia sẻ, nhạc cụ nói chung và tỳ bà nói riêng muốn chơi tốt thì tay phải linh hoạt, kết hợp nhịp nhàng giữa hai tay, có nhạc cảm tốt và tư duy âm nhạc tốt. Tay trái là linh hồn của đàn tỳ bà, tay phải chính là giọng nói. Còn để phát ra âm thanh hay và đúng với chất liệu Việt thì cần sự kết hợp của cả đôi tay.

Chị còn phát triển ở lĩnh vực dàn dựng, phối khí và làm đạo diễn âm nhạc cho một số vở nhạc kịch như: “Góc phố danh vọng”, “Đêm hè sau cuối”, “Mộng ước không xa vời” của đạo diễn 9X Nguyễn Phi Phi Anh.

Gìn giữ tinh hoa

Phan Thủy từng tốt nghiệp thủ khoa đại học năm 2015 và hiện đang tham gia công tác giảng dạy tại ngôi trường mình từng theo học. Trên cương vị của một giảng viên, chị luôn quan niệm việc gặp được học trò năng khiếu là một may mắn rất lớn nhưng còn vui hơn khi có thể dùng kỹ năng, phương pháp của mình để cảm hóa, thúc đẩy và hỗ trợ cho các bạn chơi được tốt. Phương châm của chị trong giảng dạy là: Không bao giờ từ bỏ học trò, nếu không thể làm người trò đó giỏi lên thì đó là phải xem lại phương pháp của mình”.

Phan Thủy vẫn luôn cập nhật các bản nhạc cổ điển, nhạc trẻ Âu, Mỹ, Việt Nam thịnh hành, thậm chí là cả nhạc kịch Broadway… Với chị, mỗi cây nhạc cụ đều có tiếng nói riêng và theo dòng chảy của xã hội đàn tỳ bà cũng có thể nói lên thanh âm của thế hệ trẻ. Có sự cải tiến nhưng không được quên gốc truyền thống. Ở thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay, chị đã luôn thay đổi để thích nghi, làm mới mình bằng cách đưa tiếng đàn đến được với nhiều khán giả trẻ hơn qua các trang mạng xã hội như YouTube và Fanpage. Đó cũng chính là lý do Phan Thủy lập kênh riêng mang tên “Phan Thủy tỳ bà” với mục đích dùng đàn tỳ bà để chơi các thể loại âm nhạc khác nhau.

Khởi đầu với những bài nhạc có nét dân ca truyền thống như “Mẹ yêu con” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đến những sáng tác mới của các nhạc sĩ trẻ hiện nay như Phan Mạnh Quỳnh, Hoàng Dũng… rồi các tác phẩm kinh điển như Czardas, Phantom of the Opera… Chị muốn đa dạng hóa các dòng nhạc để tiếng đàn tỳ bà có thể thỏa sức phiêu lưu. “Khi còn ngồi trên ghế nhà trường thì còn rụt rè, nhưng bây giờ nhận thấy mình đủ độ “chín” trong tiếng đàn cũng như tư duy âm nhạc, tôi quyết định vươn ra vì tôi biết chắc chắn rằng trong hàng triệu người ngoài kia vẫn có người cảm được vẻ đẹp của tiếng đàn này”, nghệ sĩ Phan Thủy bộc bạch.