Dịch giả Lam Anh:

Tác phẩm của Natsume Soseki là tư liệu quan trọng

Cùng với Mori Ogai và Akutagawa Ryunosuke, Natsume Soseki (1867 - 1916) được đánh giá là một trong ba trụ cột của văn học hiện đại Nhật Bản, có sức ảnh hưởng lớn. Ông từng được Chính phủ Nhật Bản tôn vinh khi in chân dung lên tờ tiền mệnh giá 1.000 yên, phát hành trong giai đoạn 1984 - 2004. Sau nhiều tác phẩm đã ra mắt ở 
Việt Nam, mới đây, thêm một tác phẩm của nhà văn Natsume Soseki vừa được giới thiệu đến độc giả là Cỏ ven đường (I love Books và NXB Thế giới) do dịch giả Lam Anh chuyển ngữ. Chị là một trong những dịch giả tiếng Nhật được đánh giá cao hiện nay. 

Dịch giả Lam Anh.
Dịch giả Lam Anh.

Phóng viên (PV): Xin chào chị Lam Anh. Là một dịch giả, độc giả yêu thích văn học Nhật đồng thời là người nghiên cứu về văn học tinh hoa Nhật Bản, mong chị chia sẻ một chút về nhà văn Natsume Soseki?

Lam Anh (LA): Natsume Soseki đối với tôi trước hết là một trí thức Nhật Bản thời Meiji điển hình. Tôi cũng được học sơ qua để có thể hình dung tình hình xã hội Nhật Bản thời kỳ đó. Tác phẩm của Soseki đi sâu vào đề tài về giới trí thức và những vấn đề của xã hội đương thời, nên tôi muốn đọc tác giả này để hiểu thêm về nước Nhật, người Nhật thời Meiji. 

Văn học Nhật Bản thời hiện đại có nhiều tác giả lớn, nhiều tác phẩm hay. Natsume Soseki là một trường hợp đặc biệt. Bởi lẽ, đọc tác phẩm của ông, tôi vừa hiểu được những vấn đề của xã hội Nhật Bản hiện đại, vừa có thể thưởng thức vẻ đẹp tao nhã cổ xưa của văn hóa Nhật Bản, thông qua cái nhìn của một trí thức luôn thiết tha với cội nguồn văn hóa dân tộc.

PV: Được biết, ngoài Cỏ ven đường, chị đã dịch một số tác phẩm của Soseki như Gối đầu lên cỏ (2012), Ngày 210 (2016) và sắp tới là Cỏ ngu mỹ nhân (Gubujinsō) được ra đời vào năm 1908. Dường như có một sự ưu ái đặc biệt của chị với cái tên Natsume Soseki? 

LA: Tôi dịch cuốn Gối đầu lên cỏ và Ngày 210 đều là do nhà nghiên cứu Nhật Chiêu, cũng là thầy của tôi đề nghị. Tôi nhận lời và thực hiện bản dịch vì chính tôi cũng thích và muốn chuyển ngữ những tác phẩm đó, chứ không phải tôi có lý do riêng để lựa chọn tác phẩm từ đầu. Còn khi chọn dịch Cỏ ven đường, tôi muốn giới thiệu thêm với độc giả những tác phẩm của Soseki chưa được dịch, đồng thời cũng muốn có bản tiếng Việt của một số tác phẩm quan trọng để thuận tiện hơn khi nghiên cứu văn học hiện đại Nhật Bản trong tương lai. 

PV: Ít nhất có ba tác phẩm của Soseki xuất hiện hình ảnh “cỏ” trong tựa đề; liệu có liên quan đến một ẩn ức nào đó của nhà văn? Chị có sự lý giải riêng nào không, hay chỉ là một sự tình cờ ngẫu nhiên?

LA: Thật ra, trong ba tựa đề tiểu thuyết có từ “cỏ”, chỉ có “cỏ ven đường” (michikusa) là được hình thành bằng cách ghép hai từ đơn lẻ thông thường, nên là kiểu từ thường gặp trong đời sống. “Cỏ ngu mỹ nhân” là tên gọi của cây anh túc, xuất phát từ giai thoại về giống cây này. Tức là trường hợp này “cỏ” là thành tố trong một từ định danh, không tách rời ra được. Còn “gối đầu lên cỏ” (kusamakura) thường chỉ dùng trong văn học cổ điển, nghĩa chiết tự là “gối cỏ” nhưng được dùng để nói đến việc du hành. 

Theo cảm nhận của tôi khi đọc Soseki trong tinh thần chung của văn hóa Nhật Bản, “cỏ” là hình ảnh quen thuộc của thiên nhiên, sự sống; nhưng ở trong hoàn cảnh cụ thể nào đó, “cỏ” có thể chỉ là sự tồn tại nhỏ nhoi thầm lặng, mang tính chất ngoại biên như “cỏ ven đường”, gợi nhắc hình ảnh và thân phận người trí thức trong tác phẩm của Soseki. Vì vậy, không loại trừ việc trùng lặp từ “cỏ” trong tựa đề tiểu thuyết của Soseki là có lý do riêng nào đó mà tôi chưa được biết. Tôi sẽ lưu ý vấn đề này khi tìm hiểu sâu hơn về Natsume Soseki nói riêng và văn học hiện đại Nhật Bản nói chung. 

PV: Dịch giả Nguyễn Nam Trân, cũng là một dịch giả lớn và uy tín của văn chương Nhật Bản có lời khen dành cho chị: “Ở đây, tôi xin phép đánh giá cao nỗ lực của Lam Anh vì dịch giả đã khắc phục được những trở ngại khi phải dịch một cuốn tiểu thuyết khó”. Cụ thể, chị đã gặp phải những trở ngại gì trong quá trình dịch tác phẩm Cỏ ven đường? 

LA: Theo tôi, có ba vấn đề khiến cho việc dịch văn của Soseki mất nhiều thời gian. Thứ nhất là vì ông vốn giỏi Hán văn, nên hay dùng những từ Hán Nhật ít gặp trong ngôn ngữ đời thường. Người nước ngoài dù đã học và sử dụng tiếng Nhật bao nhiêu năm cũng hiếm có trường hợp gặp những từ như vậy. Thứ hai, tác giả vốn yêu thích văn hóa truyền thống Nhật Bản nên trong tác phẩm đôi khi xuất hiện những hình ảnh đặc trưng của nền văn hóa ấy, những vật dụng không có trong cuộc sống đời thường ở Việt Nam. Trường hợp này cần có phiên âm kèm theo chú thích sao cho người đọc có thể hình dung đúng đối tượng được tả trong tác phẩm. 

Lý do cuối cùng là có những câu văn mang lớp vỏ ngôn từ bình thường nhưng hàm nghĩa triết luận sâu sắc, nên khi chuyển ngữ cần phải cân nhắc cách diễn đạt, để giữ nguyên được ý đồ tác giả.

PV: Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!