Sứ mệnh người cầm bút

Ngày 22-11, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổng kết và trao giải thưởng sáng tác 
chủ đề Biên giới và Biển đảo (đợt 1) cho những tác phẩm được sáng tác trong suốt gần nửa thế kỷ qua. Đây không chỉ là một cuộc tổng kết, một lễ trao giải đơn thuần mà hơn thế, giải thưởng là minh chứng rõ ràng, mạnh mẽ của những người cầm bút về tình yêu quê hương, đất nước, về sứ mệnh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng.

Trao giải nhất cho các tác giả giành giải thưởng.
Trao giải nhất cho các tác giả giành giải thưởng.

Bảo vệ Tổ quốc là thiêng liêng

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định vai trò của văn học nghệ thuật trong công tác tuyên truyền về biên giới, biển đảo, đồng thời nhấn mạnh tấm lòng tri ân bao thế hệ cha ông ta đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Tinh thần ấy được lan tỏa, tiếp nối trong nhiều thế hệ người Việt và giới văn nghệ sĩ để cho ra đời những tác phẩm đầy tính hiện thực và xúc động.  Các nhà văn của chúng ta ý thức rất sớm ý nghĩa thiêng liêng trong sứ mệnh bảo vệ chủ quyền của đất nước. Các nhà văn lặng lẽ viết, lặng lẽ đi, lặng lẽ sáng tạo. Đó là thiên chức vô cùng đáng quý. 

“Trong chiến tranh thì Trường Sơn ưu đãi Phạm Tiến Duật thì thời bình Trường Sa ưu đãi Trần Đăng Khoa. Hai thế hệ ở hai thời kỳ khác nhau có những cống hiến xuất sắc. Cuộc chiến tranh giải phóng thì Trường Sơn là một biểu tượng và trong cuộc chiến tranh bảo vệ thì biểu tượng là Trường Sa”, nhà thơ Hữu Thỉnh nói khi nhận định về tác phẩm “Đảo chìm” của nhà thơ Trần Đăng Khoa, một trong bốn giải nhất. Ông cho rằng, đây là một tác phẩm văn xuôi đầy chất thơ. Còn với giải nhất cho tiểu thuyết “Mình và họ” của nhà văn Nguyễn Bình Phương, nhà thơ cho rằng, tác phẩm kể về biên giới hôm nay nhưng vẫn đượm đầy không khí của quá khứ oanh liệt cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ trước. “Mình và họ” vì thế không là chuyện của quá khứ mà là của hôm nay với bao nhiêu trở trăn…

Phần lớn nhiều tác phẩm giành giải đều đã công bố khá lâu, đã đi vào đời sống văn học, được bạn đọc đón nhận và thời gian chính là sự đánh giá và kiểm chứng cho các tác phẩm. Bởi vậy, Ban giám khảo đã làm việc nghiêm túc, xem xét hơn 100 tác phẩm cân nhắc tính toán và quyết định hai hình thức là trao giải thưởng và tôn vinh. Song hơn hết, giải thưởng dịp này công bố với nhân dân về tinh thần tích cực với xã hội, tính dự báo rất cao của các nhà văn về sứ mệnh bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của Tổ quốc. 

Giải thưởng tiếp tục sứ mệnh truyền lửa 

Xúc động trong lễ trao giải, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết, cuốn “Đảo chìm” đã được tái bản hơn 40 lần và giải thưởng cao nhất được trao tặng lần này không chỉ là tặng cho tác giả mà là tặng cho Trường Sa, tặng cho những người lính ở đảo chìm, ngày đêm đối mặt với những biến động thất thường nhất của biển khơi; nơi chiều dài không bằng một con sóng cả và cuộc sống của người lính trên đảo chìm vẫn vươn lên kiên cường giữa nắng, giữa gió của biển khơi... 

Điều đặc biệt có thể nhận thấy lễ trao giải không chỉ là những cây bút kỳ cựu mà xuất hiện rất nhiều gương mặt trẻ như nhà thơ Trần Đăng Khoa nói đó là những tác giả thế hệ 4.0. Nếu “Đảo chìm” may mắn là “bảo tàng” lưu giữ vẻ đẹp của Trường Sa những ngày còn gian khó, những ngày mà người lính sống trên đảo chỉ đếm ngày mới bằng mặt trời mọc và lặn thì việc xuất hiện của nhiều cây bút trẻ trong đề tài này minh chứng rõ ràng về trách nhiệm, ý thức của thế hệ kế tiếp. “Sáng tác về biên giới, biển đảo tại thời điểm này rất khó vì những người đi trước đã khai thác, đã viết khá nhiều về đề tài này. Song cái tài của các bạn trẻ là họ đã có cách tiếp cận mới, cách nhìn mới, đã tạo được những “cột mốc” thiêng liêng ở biên giới, hải đảo…”, tác giả “Đảo chìm” nhận định, ông bộc bạch, sẽ tiếp tục viết và đây sẽ là đề tài lớn ông dồn tâm huyết trong thời gian tới. 

Trong đợt đầu tiên, 32 tác phẩm được trao giải, 12 tác giả được Giải Tôn vinh và bảy cơ quan báo chí, NXB được trao giải tập thể. Đây là sự khích lệ lớn cho người sáng tác. Khẳng định đây là mảng đề tài văn học ngày càng lớn mạnh, thu hút sự tham gia của các nhà văn, nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết trong đợt 1 do số lượng các tác phẩm nhiều, thời gian thông báo còn ngắn, do đó có thể thông tin chưa bao phủ rộng khắp, chưa đến với một số đối tượng nhưng phải có những bước đi đầu tiên thì mới có thể mở mang được những bước tiếp theo.