Song hành cùng âm nhạc và hội họa

Người quen lẫn công chúng yêu nhạc đều nhớ tới những ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn (1929 - 2006) đã rất đỗi quen thuộc như “Biết ơn chị Võ Thị Sáu”, “Chiều trên bến cảng”, “Hà Nội một trái tim hồng”… Nhưng, ông còn là một họa sĩ.

Tác phẩm “Làng” (Bột mầu, 1990).
Tác phẩm “Làng” (Bột mầu, 1990).

Giai điệu sắc mầu

Cuối năm 2019, nhân kỷ niệm 90 năm Ngày sinh của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, nhà phê bình Quang Việt phối hợp Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức cuộc triển lãm mỹ thuật “Những giai điệu về màu sắc” tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội. Triển lãm trưng bày khoảng 60 bức tranh được họa sĩ Nguyễn Đức Toàn vẽ đã giúp công chúng hiểu hơn về một nghệ sĩ đa tài.

Theo nhà phê bình Quang Việt, tranh của ông có rất nhiều “giọng” lạ, đôi khi chỉ khác bình thường một chút là đã đủ trở nên đặc sắc. Còn họa sĩ Trần Khánh Chương thì cho rằng, họa sĩ - nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn là một tên tuổi của thế hệ nghệ sĩ tiếp năng lượng cho cả một thế hệ cầm súng. Tâm hồn ông là của một nghệ sĩ yêu nước, yêu quê hương, chiến đấu vì tự do và cái đẹp. Là người có hai sự nghiệp song trùng, Nguyễn Đức Toàn thích khai thác vốn cổ dân tộc, tìm về quá khứ cha ông. Trong con người ông có thể xuề xòa, nhưng bao giờ cũng đầy khí phách, tráng kiện trong nghệ thuật.

Có lẽ chính vì nhận ra sự đặc sắc trong tranh của một “nhạc sĩ vẽ tranh”, nên ngay từ khi Nguyễn Đức Toàn còn sống, nhiều người đã tìm đến xem tranh, mua tranh của ông. Không chỉ khách trong nước, mà có cả những khách người Pháp, Italia, Thụy Điển… Trong những năm cuối của thế kỷ 20, họa sĩ Nguyễn Đức Toàn đã tổ chức khoảng 10 triển lãm tranh ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Ông từng bộc bạch: “Trong đời tôi có nhiều sự tình cờ, tình cờ tôi trở thành nhạc sĩ, tình cờ tôi vẽ tranh và tranh vẽ xong lại bán được, cuộc sống được cải thiện hơn. Tôi có tiền mua đàn, mua xe máy”.

Không dễ dãi

Nhạc sĩ, họa sĩ Nguyễn Đức Toàn quê Bắc Ninh, sinh tại Hà Nội. Ông từng học Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1944. Thời điểm Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ông gia nhập các đoàn biểu tình, tham gia mít tinh ở quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội. Cùng với các nhạc sĩ, nghệ sĩ Huy Du, Đỗ Nhuận, Lưu Bách Thụ, Bùi Công Kỳ, Thương Huyền, Mai Khanh, ông lập một dàn nhạc nhỏ, tập và hòa tấu những bài ca cách mạng, hoạt động âm nhạc. Đến năm 1946, ông tham gia kháng chiến chống Pháp, năm 1948, về công tác tại Bộ Tư lệnh Việt Bắc. Tại đây, ông vẽ, sáng tác ca khúc và làm báo. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Nguyễn Đức Toàn được phân công phụ trách Đoàn Văn công 3 của Tổng cục Chính trị, làm nhiệm vụ đón tiếp các chiến sĩ và đồng bào miền nam tập kết ra bắc.

Năm 1955, sau khi ba đoàn văn công của Tổng cục Chính trị sáp nhập, ông là đoàn trưởng phụ trách Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị, chủ yếu làm chỉ đạo nghệ thuật. Năm 1970, ông công tác tại Phòng Văn nghệ, Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị, là chuyên viên nghệ thuật của toàn quân. Năm 1980 trở thành hội viên Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam (Hội Mỹ thuật Việt Nam), nhạc sĩ bắt đầu chuyên tâm vào hội họa.

Sinh thời, nhạc sĩ - họa sĩ Nguyễn Đức Toàn bộc bạch rằng, việc cầm cọ vẽ đến với ông không phải vì bí không làm được bài hát nữa, cũng không phải ông phụ tình với âm nhạc. “Trong nghệ thuật, mỗi ngành là một sân chơi đầy lý thú và các ngành hỗ trợ cho nhau. Tôi vẽ tranh với ý tưởng của họa sĩ chuyên nghiệp, với yêu cầu như một họa sĩ chính cống chứ không xuê xoa, dễ dãi, vin cớ mình là nhạc sĩ mà nhí nhố lăng nhăng vẽ bừa bãi. Tôi vẽ không phải bởi muốn khoe mình có lắm tài, vì nhiều người đã biết tôi, vốn đã học vẽ ở Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương thời Pháp thuộc”, nhạc sĩ - họa sĩ Nguyễn Đức Toàn từng chia sẻ. Chính ông cũng tự nhận, nếu trong âm nhạc, công chúng có thể thấy một nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn xông pha, “làm tốt nhiệm vụ được giao” thì trong hội họa, chỉ có thể nhận ra một Nguyễn Đức Toàn “chỉ vẽ tranh hoa lá cành”. Theo ông, đã nhiều lần thử vẽ các đề tài khác nhưng thấy đều không ổn, lại quay về cây đa, giếng nước, chùa làng.

Xem tranh của họa sĩ Nguyễn Đức Toàn để lại, mặc dù ông từng nói “chỉ vẽ tranh hoa lá cành”, nhưng ta vẫn có thể nhận thấy những vấn đề của con người. Theo nhà phê bình Quang Việt, “con người dù trực tiếp hay gián tiếp trong các tác phẩm, đều là chủ đề chính để tác giả thể hiện suy nghĩ và đời sống tình cảm của mình”.

Cuộc đời nghệ thuật của Nguyễn Đức Toàn đã song hành cả hai con đường âm nhạc, hội họa. Ở lĩnh vực nào, ông cũng đều dấn thân.