Như hương gừng nồng ấm

NSƯT Trung Cường thời đi học gầy gò, yếu ớt, nặng có hơn ba chục cân, nhưng trắng trẻo thư sinh, ăn nói rành mạch, khúc chiết. Anh mê kịch, ước sau này làm diễn viên…

NSƯT Trung Cường (bên phải) trong ngày nhận danh hiệu.
NSƯT Trung Cường (bên phải) trong ngày nhận danh hiệu.

Nhưng học xong phổ thông, anh lại làm thợ may và nhanh chóng trở thành thợ may có tiếng ở thị xã Hải Dương (nay là thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương). Những năm 1970 - 1972 , bạn bè bay nhảy khắp nơi, người đi bộ đội, người thoát ly công tác, anh ở nhà làm thợ và tham gia công tác địa phương. Anh hoạt động văn nghệ, rồi làm Bí thư Chi đoàn khu phố, lại tham gia Đội Thanh niên kiểm tra nếp sống, rồi tự vệ thị xã Hải Dương, đi đào bom nổ chậm của giặc Mỹ rải khắp nơi trong khu vực, nhiều lần được khen thưởng…

Nhưng trong thẳm sâu, anh vẫn khát khao làm diễn viên, nhất là diễn viên kịch nói. Đang đông khách, thu nhập cũng khá, bất ngờ Trung Cường giải nghệ. Năm 1975, khi Đoàn Ca múa kịch Hải Hưng tuyển diễn viên, anh mạnh dạn ghi tên xin thi. Mà thi tuyển một lần là được. Ngắm ngoại hình và xem anh biểu diễn xong một tiểu phẩm, ông trưởng đoàn vỗ tay khen, và tuyên bố dứt khoát: “Cậu trúng tuyển. Về chuẩn bị, rồi nhập cuộc. Kịch là cuộc đời, là vất vả đấy!”.

Có bằng tú tài, có kiến thức phổ thông cơ bản về văn học, lịch sử, ngoại ngữ và đặc biệt năng khiếu nhớ, Cường thuận lợi học tập và rèn luyện nghệ thuật sân khấu kịch. Anh nhớ như in cảm xúc khi lần đầu tiên anh được giao vai anh Xuân trong vở kịch “Chị Nhàn”. Anh hăm hở, náo nức mừng lo. Anh phân tích nhân vật, học thuộc lời thoại, diễn đạt đài từ một cách sáng tạo… Ấn tượng mạnh mẽ nhất là được sắm vai Phan Thúc Định trong vở kịch “Gió xoay chiều”. Ban đầu một diễn viên khác sắm vai Phan Thúc Định đã luyện tập. Về sau đạo diễn Phạm Ngọc Côn phân công Trung Cường thay thế. Lúc bấy giờ do kế hoạch biểu diễn đã bố trí, nên phải tập nhanh, khẩn trương, lời thoại trong vở dài, có nhiều chi tiết xung đột đến nghẹt thở. Nhờ năng khiếu và trí nhớ tốt, Cường thuộc lời thoại, biểu diễn khúc chiết chắc chắn, tạo được thần thái hình tượng nhân vật Phan Thúc Định.

Năm 1993, khi dựng vở “Những ngày thường cháy lên”, đạo diễn Đoàn Anh Thắng đã chọn Cường sắm vai Phó giám đốc. Cũng năm ấy, đoàn đi Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp miền duyên hải phía bắc, nghệ sĩ Trung Cường giành tấm HCV đầu tiên, sau 18 năm gõ cửa đoàn kịch quê nhà.

Năm sau, 1994, Đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang dựng vở “Bóng tối sau tình yêu”, quyết định giao vai ông Tùng cho Trung Cường. Đây là một vở kịch có tính chính luận, lên án cái ác, và ca ngợi tấm lòng vị tha của người lính Cụ Hồ. Hội diễn tổ chức tại thành phố Nam Định, vai ông Tùng chiếm được cảm tình đặc biệt của khán giả và giám khảo. Trung Cường nhận được tấm HCV thứ hai. Tính ra, trong quãng chục năm từ 1990, Trung Cường còn giành được năm HCB tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc và khu vực.

Trung Cường đã gắn bó với đoàn kịch suốt thời vàng son, cả những ngày tháng “tro nguội”. Thời kỳ khó khăn, nhiều nghệ sĩ đã bỏ nghề, đoàn chỉ có 17 người đi diễn… Anh vẫn bám đoàn lưu diễn trong nam ngoài bắc, biểu diễn hàng tháng trời ở quê hương kết nghĩa Phú Yên. Anh đi diễn ở sáu đảo Đông Bắc Tổ quốc, ra phục vụ ở đảo Trần (Quảng Ninh). Năm 1981, đang nằm viện, vì công việc anh phải xin ra sớm để đi biểu diễn phục vụ nhân dân. Có lần đang diễn ở huyện Bình Giang, Hải Dương thì sân khấu bị thụt ván, Trung Cường ngất, phải tạm dừng. Sau cấp cứu, thấy khán giả vẫn kiên nhẫn đợi chờ rất đông. Anh lại tiếp tục ra sân khấu trong tiếng vỗ tay vang động cả sân bãi.

Những năm còn công tác, nhiều lần Đoàn kịch Hải Dương được ghi hình vở diễn để phát sóng truyền hình Việt Nam. Nhiều đạo diễn về đoàn làm việc, và nghệ sĩ Trung Cường lọt vào mắt xanh các đạo diễn, được mời sắm các vai phim truyền hình. Có lần anh theo đoàn hàng tháng, lên tận vùng cao, biên giới, ra bắc vào nam. Bây giờ về hưu, Trung Cường càng thả sức “bay”. Anh tham gia đến vài chục bộ phim truyền hình.

Người ta giao cho anh những vai thứ hoặc vai phụ. Từ giám đốc trong “Ghét thì yêu thôi” dài 40 tập, đến vai Bí thư tỉnh ủy trong phim “Khi đàn chim trở về”. Gần đây nhất anh tham gia bộ phim “Về nhà đi con”. Tháng 8-2019, Trung Cường được phong tặng danh hiệu NSƯT. 45 năm làm nghề, xuân Canh Tý này, Trung Cường 70 tuổi đời. Nhắc đến anh, nhiều người thường ví von tới hương gừng, mộc mạc tỏa thơm nồng ấm giữa cuộc đời.

Làm truyền hình khổ nhất là quên thoại, khi quay hình, ghi âm trực tiếp. Nếu diễn viên ấp úng, phải quay lại nhiều lần, tốn kém và mất hứng thú với bạn diễn. Có lần, trước khi quay, người ta đưa cho anh bản đánh máy lời thoại phân cảnh, dài tới 49 dòng. Anh vừa hóa trang, vừa đọc nhẩm khoảng 15 phút. Thế mà quay một đúp là xong.