Ngọt ngào tiếng sáo

Là người Kinh, nhưng ông được nhiều người Mông mến nể vì tiếng sáo. Tiếng sáo đậm chất men rừng ấy được ông mang đến nhiều tỉnh, thành phố trong nước và bạn bè ở nước Nga xa xôi.

Nghệ nhân Nguyễn Tư Xin với cây sáo dân tộc.
Nghệ nhân Nguyễn Tư Xin với cây sáo dân tộc.

Vật bất ly thân

Chủ nhân của tiếng sáo ấy là nghệ nhân Nguyễn Tư Xin, xóm Thái Sơn 1, xã Quyết Thắng, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Ông còn chế tác hàng trăm cây sáo tặng cho các nghệ sĩ trên nhiều miền đất nước.

Ông đến với cây sáo trúc, đàn bầu và cây nhị từ năm học cấp II trường làng, thuộc huyện Thanh Chương (Nghệ An) quê ông. Ngày còn nhỏ, mỗi lần thấy các cụ kéo nhị, hay các anh thổi sáo, chơi đàn bầu thì ông sán lại gần, lắng nghe từng âm thanh, xem ngón tay nắn phím rồi nhập tâm từ khi nào chẳng hay. Chính bản thân ông cũng thấy có một sự lạ là mình không được học một nốt nhạc, mà cầm vào nhạc cụ như đàn bầu, sáo trúc và nhị đều chơi được. Nhiều người động viên: Tiếng sáo của Xin rất có hồn…

Tự học, tự tìm tòi những nhấn nhá, nền nẩy của từng quãng nhạc, ông học sáo, thổi sáo theo bản năng, khi thấy nhuần nhuyễn mới tự tin đi trình diễn tại các buổi sinh hoạt đoàn thanh niên, chương trình văn nghệ chào mừng của địa phương. Năm 1965, ông thi đỗ vào Khoa Sinh, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông kể: Hồi sinh viên, tôi ở ký túc xá, vào tối thứ bảy hằng tuần là bạn bè kéo nhau đến phòng nghe thổi sáo. Hầu hết các chương trình văn nghệ của trường đều có tiết mục thổi sáo của tôi. Hồi đó đang học năm thứ ba đại học, nghệ sĩ Đinh Thìn và Ngọc Phan về trường biểu diễn. Tiếng sáo của các bậc thầy như lực hút khiến tôi phải tìm đến nhà, xin được làm học trò, bắt đầu là sáo trúc, sau chuyển sang sáo của đồng bào Mông.

Năm 1969, ngay sau tốt nghiệp đại học, ông Xin được phân công đến nhận nhiệm vụ tại Trường đại học Nông lâm Thái Nguyên. Là giảng viên môn Sinh, song ông có nhiều học trò về thổi sáo. Gian phòng tập thể ông ở luôn đông vui bầu bạn, trong đó có cả giảng viên, sinh viên, nghệ sĩ…, tất cả đều là những người ham mê văn nghệ. Tuy nhiên, ông không để niềm đam mê sáo Mèo lấn lướt, làm ảnh hưởng đến công việc chuyên môn. Ông được đánh giá là cán bộ mẫn cán, có năng lực chuyên môn, được sang nước Nga học nâng cao nghiệp vụ. Ông kể: Tôi học bên đó hai năm, mùa đông lạnh kinh khủng, tuyết rơi càng nhiều lòng lại càng nhớ nhà. Những lúc như thế, tôi lại mang cây sáo của người Mông ra thổi chia sẻ với bạn bè. Nhiều người bạn Nga lấy làm thích thú, bảo tôi có phép thuật, khiến một ống cây biết hát.

Cây sáo như vật bất ly thân, luôn bên ông trên những hành trình của cuộc đời. Trở về nước, ông tiếp tục làm giảng viên của Trường đại học Nông lâm, sau chuyển sang Trường đại học Đại cương, Đại học Sư phạm rồi Đại học Khoa học. Vào các ngày lễ kỷ niệm trong năm, ông là thành viên đội văn nghệ, tham gia tiết mục thổi sáo biểu diễn phục vụ thầy, cô và các học trò… Năm 2004, ông nghỉ hưu, về nhà thổi sáo cho vợ, con nghe.

Tình cờ gặp thầy giỏi

Bà Lương Thị Chiến, vợ ông kể, ông về nghỉ hưu, nhưng không nghỉ thổi sáo. Đã thế, suốt ngày ông kỳ cạch vót, gọt làm sáo… Ông Xin tủm tỉm cười: Vì cây sáo mình làm ra chưa có linh hồn, tiếng chưa tròn, âm vực không ngọt, giọng sáo không đều, người Mông chưa thích nghe. Về hưu, tôi có nhiều thời gian rảnh nên mới đi “Tầm sư học đạo”. May mắn với tôi là một lần lên Tây Bắc tham quan, ngồi trên mỏm đá cạnh vạt ngô bên đường, thấy cảnh vật thiên nhiên tươi đẹp liền lấy sáo ra thổi. Khi tiếng sáo ngừng đã thấy trước mặt một cụ già đứng lặng lẽ nghe sáo. Đó là cụ Sùng A Màng, xã Pà Cò, huyện Mai Châu (Hòa Bình). Một nghệ nhân sáo người Mông nức tiếng vùng Tây Bắc. Cụ Màng đã nhiều tuổi, song khỏe hơi, lại biết làm ra cây sáo tốt, nên tiếng sáo của cụ cất lên đã làm tôi lịm người, mê mẩn bởi âm thanh ngọt ngào cuốn hút. Thấy tôi thực bụng xin làm học trò, cụ mừng lắm, không ngần ngại truyền dạy cho tôi một số nguyên tắc cơ bản để làm ra cây sáo tốt, như việc chọn ống nứa, ống trúc, cách luộc ống bằng nước muối, nước vôi trong và kỹ thuật khoét lỗ, đặc biệt là việc chế tác lá đồng tạo âm thanh của cây sáo.

Nhờ cụ Màng, ông làm được những cây sáo tạo nên âm hưởng như mong muốn. Nhưng để có vật liệu làm sáo, ông cất công đến một số tỉnh vùng Đông Bắc, Tây Bắc, nơi có nhiều nứa, trúc để tự tay lựa chọn mang về làm sáo. Ông đã làm được hơn 500 cây sáo loại chuẩn để tặng cho bạn bè. Ngoài sáo Mèo, ông còn chế tác ra nhiều loại nhạc cụ trên các vật liệu khác nhau… Ông phấn chấn biểu diễn cho chúng tôi xem bài “Lý chiều chiều” bằng cây đàn bầu được làm bằng ống nhựa Tiền Phong; thổi sáo, bài“Đêm trăng bản Mèo”, “Xuân về trên bản”… từ cây sáo được làm bằng ống dẫn nước quấn quanh người.

Tiếng sáo trẻ trung, đượm ngọt đã mang về cho ông ba Huy chương vàng, bốn Huy chương bạc tại các hội diễn trong nước. Tiếng sáo của ông đã từng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Huy chương “Vì sự nghiệp văn hóa quần chúng”. Và mỗi ngày, tiếng sáo ấy đều đặn cất lên, vọng vào hư không và được ông cần mẫn truyền dạy lại cho lớp trẻ.