Một ngày ngoái lại

Nhớ hè năm 1981 có một chàng thiếu úy trẻ, là tôi, từ trên chốt xuống tình cờ đọc được bài thơ “Áo người yêu” cùng bài thơ “Con tem quân đội” và “Bài thơ lục bát của anh” trên tạp chí Văn nghệ Quân đội. Tác giả của chùm thơ ấy là một nhà thơ nữ có cái tên rất đáng nhớ, Đinh Thị Thu Vân. 

Nhà thơ Đinh Thị Thu Vân (ngoài cùng, bên phải) cùng các nhà văn, nhà thơ.
Nhà thơ Đinh Thị Thu Vân (ngoài cùng, bên phải) cùng các nhà văn, nhà thơ.

1. Chàng trung đội trưởng trinh sát ngỡ tưởng dạn dày lại “lâng lâng” như thấy mình đâu đó trong câu thơ “Chắc là nhớ lắm trời biên giới/Áo cứ trở mình khi gió lên/ Em muốn giữ chân, không dám nói/Sợ lời mềm yếu áo không quen” (Áo người yêu). Vậy là chàng cũng háo hức làm thơ chỉ với hy vọng một ngày nào đó sẽ được gặp “người thơ” nhường ấy.

Nhà thơ Đinh Thị Thu Vân tuổi Mùi, cái tuổi mọi người thường hay nói là “nhàn”, là “hay được người khác lo hộ”. Ấy vậy mà chị đâu “chịu”, thì cứ đọc cứ nghe những bài thơ chị đã viết là đủ thấy. Tập “Thay cho lời hát ru” in năm 1984, tập thơ đầu tay của chị, thêm một lần nói lên điều đó, điều chị muốn được quan tâm đến mọi người, quan tâm đến thời cuộc.

Quê ở xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Vùng đất đã đi vào thi ca ấy nằm giữa hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây lại thoảng hương sen từ miệt Đồng Tháp Mười đưa tới. Có lẽ sinh ra và lớn lên ở đó mà cô gái tên Vân đã sớm mê say những vần thơ. Có lần nhà thơ Đinh Thị Thu Vân cho hay, thầy giáo dạy văn hồi chị học phổ thông là một người miền bắc, chị đã từng bị những bài giảng văn của thầy “hớp hồn” khi ngồi trong lớp. Chị bảo “Giọng bắc của thầy bình thơ nghe sao mà cuốn hút đến thế”. Và thế là cô nữ sinh trẻ làm thơ, những vần thơ đầu đời viết theo kiểu lơ ngơ, viết cho bạn bè đọc, viết để chứng tỏ mình... hào hoa phong nhã, từ tựa thơ cho tới lời thơ.

2. Đinh Thị Thu Vân là người luôn chợt nhận ra còn có nhiều điều ý nghĩa hơn những điều mình đã biết. Còn nhiều điều xưa nay chưa nhận thấy giờ mới cảm nhận được. Có lẽ sự cảm nhận về lòng dũng cảm của những người chiến sĩ và có lẽ cũng từ tấm lòng chan chứa yêu quê hương đang đỏ lửa mà cô gái trẻ đem tâm hồn mình cất lên giai điệu ngợi ca, cất lên giai điệu yêu thương “Anh về từ chiến trường xa/Con tem quân đội là quà trao em/Tay em năm ngón dẫu mềm/Vẫn e chưa đủ dịu êm khi cầm” (Con tem quân đội).

Giai đoạn những năm 80, 90 của thế kỷ 20 là giai đoạn Đinh Thị Thu Vân viết nhiều, viết hăm hở, đó là những vần thơ nghiêng về cảm xúc xuất phát từ cảm nhận tự nhiên. Nhớ lần về Long An công tác, tối ấy ra bờ sông Vàm Cỏ Tây dạo mát, đoạn sông chảy ngang thành phố Tân An, đứng bên bờ sông hóng gió, tôi nghe tiếng nước chảy ràn rạt cọ vào những chiếc lá dừa đang xõa xuống mặt sông làm dậy thầm âm thanh tựa như khúc hát, tôi đã nhận ra ở đây có sự gần gũi. Đem chuyện đó nói lại với nhà thơ Đinh Thị Thu Vân, chị gật đầu và nói “Quê hương cho tôi sự chân thành, không kiểu cách, không điệu đà, biết yêu thương và khinh ghét rõ mồn một, là niềm tự hào của tôi đó. Tôi tin là điều ấy giúp cho thơ tôi được nhớ, dù thơ khuyết hẳn những cây trái, phù sa, sông nước”.

Sau những thành công từ những cuộc thi thơ do báo Văn nghệ và tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức, Đinh Thị Thu Vân “bước” hẳn vào nghiệp thơ, nghiệp báo. Chị chẳng đi đâu xa mà ở lại ngay chính quê hương Long An của mình để mà làm việc và cũng để làm thơ. Rồi cuộc sống bộn bề, công việc của Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Long An, Đinh Thị Thu Vân ít xuất hiện trên thi đàn bởi như chị đã nói “Tự thấy mình không khả năng rộng mở”. 

3. Bẵng đi 10 năm gần như không làm thơ cho tới khi chị chính thức được nghỉ quản lý, người ta lại thấy thơ Đinh Thị Thu Vân. Sự “trở lại” này thật đúng với suy nghĩ của chính chị, đó là “Một ngày ngoái lại”. Chặng sáng tác này lại cho thấy một Đinh Thị Thu Vân dường như khác hẳn. Thơ của chị từ 10 năm trở lại đây đã mang một giọng điệu khác, một tư duy khác. Đúng như người yêu thơ chị đã nhận định “người đọc sẽ nhác thấy tâm hồn của một người luôn tìm cái đẹp”. Chị đã viết “Cạn ngày cạn tháng cạn năm/dõi về đâu cũng nghe nhầm lối đi/góc nào tối góc nào khuya/vẫn e không đủ chắn che phận mòn!/nhạt rồi, lại cứ nhạt hơn/lòng sương trĩu thấu lời sương lạnh lùng/xóa bôi bôi xóa âm thầm/thương cay mắt thuở ta lầm chính ta!” (Thương cay mắt những ngày sau cạn lòng).