Mạch suối nguồn văn chương ấm áp

Lớp 12, năm học nhiều căng thẳng. Tôi chọn thi Đại học Tổng hợp khoa Văn. Một hôm, bố mang về một tờ báo, khổ lớn hơn Thế giới mới một chút, bố nói “Muốn thi đỗ đại học Tổng hợp Văn thì đọc thêm cái này xem sao, toàn người giỏi viết thôi”. Tôi nhận cuốn tạp chí từ bố, đọc hàng măng xét ngay ngắn, vuông vắn Văn học và Tuổi trẻ.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa trong buổi giao lưu với học sinh. Ảnh: TL
Nhà thơ Trần Đăng Khoa trong buổi giao lưu với học sinh. Ảnh: TL

1. Tuy số trang không nhiều nhưng lại đầy đủ đa dạng chuyên mục: Đi tìm vẻ đẹp văn chương, Chân dung văn học, Cửa sổ văn học, Mùa đầu văn học, Trang sáng tác, Hành trang vào đời… Mãi sau này tôi mới biết, nhà in của bố là nơi in ra những tờ tạp chí Văn học và Tuổi trẻ đầu tiên. Với sự nhạy cảm của người yêu sách, bố đã biết tờ báo đó thật sự có ích cho tôi.

Nếu Hoa học trò là một thế giới tươi mới, hiện đại và đậm chất giải trí dành cho học trò thì Văn học và Tuổi trẻ lại là một tờ báo học tập, bồi đắp tình yêu và hỗ trợ việc dạy và học văn trong nhà trường. Tôi nhớ đọc những sáng tác của Võ Thị Hà, Nguyễn Thị Ngân, Bình Nguyên Trang, Đặng Chân Nhân, đọc câu chuyện chia sẻ của các nhà văn nổi tiếng Ma Văn Kháng, Lê Minh Khuê, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Quang Thiều, Lê Phương Liên, Lê Hồng Thiện, Phạm Duy Nghĩa,… đọc thơ của Nguyễn Phong Việt, Nguyễn Thụy Anh, Lâm Thị Mỹ Dạ, Y Phương,… đọc những bình giá, phân tích của các chuyên gia hàng đầu của phê bình văn học: GS Nguyễn Khắc Phi, GS Trần Đình Sử, PGS Nguyễn Quang Long, TS Chu Văn Sơn, TS Nguyễn Hữu Sơn,… hay các nhà phê bình trẻ Đoàn Minh Tâm, Đoàn Ánh Dương, Đỗ Thu Huyền… Mỗi lần như thế tôi cảm thấy mình như người học trò đang chăm chú nghe giảng những kiến thức uyên thâm, mới mẻ về các địa tầng văn chương bằng một cách truyền đạt uyển chuyển, thú vị.

2. Tôi luôn cất những tờ báo xinh xắn đó vào một góc tủ, thỉnh thoảng lại lôi ra đọc. Những câu văn, những nhân vật của các sáng tác trong Văn học và Tuổi trẻ tuy giản dị nhưng luôn chứa đựng những khát vọng vươn lên từ khó khăn và cố gắng giữ gìn những phẩm giá cao quý trong nghịch cảnh. Vậy là không chỉ dừng lại ở khía cạnh giải trí mà các sáng tác còn làm đẹp lên tâm hồn người, làm cuộc sống lung linh cổ tích hơn.

Sau một thời gian làm bạn với tạp chí, tôi phát hiện ra, tờ tạp chí tuy thuần về văn chương nhưng lại khác Văn nghệ quân đội, Văn nghệ trẻ, Văn nghệ “già”, tờ tạp chí dành cho học trò nhưng khác với Hoa học trò, Mực tím, Áo trắng… Văn học và Tuổi trẻ làm theo cách riêng, chỉ chuyên một việc: xoay quanh các vấn đề về văn học trong nhà trường. Trong chương trình môn Văn ở trường phổ thông và đại học dạy và học tác phẩm nào, tác giả nào, vấn đề gì, sự kiện gì… thì tổ chức bài viết về những điều đó. Và cái đặc sắc là tuy chỉ xoay trở trong một phạm vi rất hạn hẹp, nhưng bài số sau không bao giờ trùng lặp đề tài của bài số trước, lực lượng CTV đông đảo nên nếu cùng một vấn đề thì luôn là cách lý giải, cách nhìn và đưa ra tư liệu mới. Những trang viết như thế lại gieo vào lòng người đọc một niềm thương nỗi nhớ. Văn chương chính là thế, âm ỉ chảy, miệt mài bồi đắp từng chút từng chút một những ấm áp để mỗi người tin rằng, cuộc sống thật đáng quý. Và tôi tin có nhiều bạn đọc như tôi đã mê văn chương, nghiện Văn học và Tuổi trẻ cũng vì lẽ đó.

3. Hôm nay, trên fanpage Văn học và Tuổi trẻ đăng tải minigame “Gửi lời chúc đến Văn học và Tuổi trẻ tròn 25 tuổi”, tôi lại giở những cuốn tạp chí xinh xắn ra. Đọc lại những bài thơ, bài văn, những bài phê bình, những định hướng học tập, đọc lại mà vẫn thấy thật hay, thật mới.

Và ngoài những nội dung trong sách trên lớp học, những người học, người dạy và yêu mến môn Văn đều mong muốn có một sân chơi bổ ích để chia sẻ và bộc lộ mình. Văn học và Tuổi trẻ từ khi ra đời đã trở thành một sân chơi bổ ích, một diễn đàn học thuật thiết thực, một nơi để chia sẻ chuyên môn thú vị, một nơi hẹn hò của những người yêu văn trong cả nước, đặc biệt là người trẻ. Những tri thức mới mẻ, những tâm sự nghề sâu kín, những sáng tác mới giàu ước mơ,… đều được Văn học và Tuổi trẻ truyền đến người đọc.

Mỗi bài viết trong tạp chí dẫn dắt người đọc trở về cảm xúc chân thật, thiện lành nằm sâu trong lòng mà lâu nay bị che khuất bởi những bận rộn cuộc sống. Và những cảm xúc ấy đã tạo ra những mạch suối nguồn âm ỉ thấm vào lòng đất, bồi dưỡng tình yêu văn chương từ trứng nước cho các bạn học sinh.