“Lòng tôi biên giới” - thông điệp rung cảm

Là một trong những tác phẩm được Bộ Quốc phòng đầu tư cho sáng tác năm 2020, trường ca “Lòng tôi biên giới”(NXB Văn học) của Trung tá - nhà thơ Nguyễn Minh Cường là một điểm nhìn của thế hệ hậu chiến về cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía bắc năm 1979. 

“Lòng tôi biên giới” - thông điệp rung cảm

Phóng viên (PV): Là một tác giả thuộc thế hệ 8x, viết về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc, anh gặp áp lực gì?

Nhà thơ Nguyễn Minh Cường (NMC): Tôi nghĩ mình không còn trẻ (cười). Ở độ tuổi 40, người ta phần nào đủ chín để viết về một cái gì đó chiêm nghiệm, triết lý, sâu sắc, gốc rễ… Nhưng tất nhiên, viết về chiến tranh, mà lại ở thể loại trường ca là một thách thức rất lớn. Tôi vừa có sự háo hức, hồi hộp, song, đồng thời cũng thấy rất nhiều trở ngại mình cần phải vượt qua. Làm thế nào để không lặp lại những trường ca về chiến tranh trong quá khứ? Làm thế nào để từ những câu chuyện cụ thể, những nhân vật cụ thể, mang đến một cái nhìn tổng thể về cuộc chiến đấu vĩ đại mà bi tráng của quân và dân ta? Làm thế nào để có thể mang đến những thông điệp lớn, mang đến những sự rung cảm cho thế hệ hôm nay về những gì cha anh đã trải qua trên chiến trường biên giới phía bắc?... Đó đều là những câu hỏi lớn mà tôi nghĩ khó có thể “trả bài” trọn vẹn.

PV: Anh đã công tác trong quân ngũ hơn 20 năm, môi trường quân đội chắc hẳn mang đến nhiều trải nghiệm trong sáng tác?

NMC: Chắc chắn rồi! Tôi đã làm thơ, viết truyện ngắn về chiến tranh; nhưng vẫn phải nhắc lại, lần này là một thách thức lớn. Những trải nghiệm của quãng đời hơn 22 năm quân ngũ là một lợi thế không nhỏ. Tôi cảm giác mình viết và nói về bộ đội dễ dàng như tự thân vậy, chân thực như chính cuộc đời mình vậy. Những hiểu biết và cả nghiên cứu của bản thân về quân sự, chính trị, ngoại giao… cũng giúp tôi có được nền kiến thức vững để lột tả chiến tranh. Cũng chính trong quá trình công tác, tôi được đến nhiều đơn vị, nhiều chiến trường xưa trên mọi miền đất nước. Tất cả những điều đó giúp ích tôi rất nhiều khi tôi cầm bút viết trường ca này.

PV: Câu chuyện về chiến tranh có nhiều cách tiếp cận, với anh, cụ thể trong trường ca này, anh chọn đâu là điểm nhấn và thông điệp muốn gửi đến bạn đọc?

NMC: Tác phẩm lấy cảm hứng từ sự hy sinh anh dũng của 22 anh hùng, liệt sĩ vốn là cán bộ, giáo viên, học viên Trường Sĩ quan Chính trị, cũng là ngôi trường tôi gắn bó suốt 22 năm qua. Đầu năm 1979, đoàn cán bộ, giáo viên, học viên của Nhà trường (khi đó đóng quân tại thành cổ Bắc Ninh), đã lên đường đi thực tập ở các đơn vị dọc tuyến biên giới phía bắc. Theo kế hoạch, đoàn sẽ hoàn thành nhiệm vụ thực tập trở về trường vào ngày 20-2-1979. Tuy nhiên, chỉ ba ngày trước đó, tiếng súng đã nổ ra. Đoàn nhận chỉ thị từ Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường: Tất cả cán bộ, học viên tiếp tục bám đơn vị chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, “ngày về hẹn sau”. Trên chiến trường biên giới phía bắc, các cán bộ, học viên của Nhà trường đã chiến đấu dũng cảm, lập nhiều chiến công xuất sắc và đã có 22 đồng chí hy sinh anh dũng. Liệt sĩ Phan Đình Linh được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Từ tuyến nhân vật trung tâm là liệt sĩ Phạm Gia Nguyên và người con là sĩ quan quân đội hôm nay, tôi đã khắc họa sự hy sinh anh dũng của quân và dân biên giới, trọng tâm là vùng Hà Quảng, Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) trong những ngày đầu của cuộc chiến tranh. Từ đó, tôi cố gắng thử cắt nghĩa nhiều điều sâu xa về một cuộc chiến, về tình yêu Tổ quốc và tinh thần vệ quốc bất khuất hôm qua và hôm nay của dân tộc Việt Nam; về vẻ đẹp tâm hồn của người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam...

PV: Vừa sáng tác, vừa làm công tác giảng dạy tại Trường Sĩ quan Chính trị, anh có sự liên kết nào giữa hai việc này để thế hệ trẻ cảm nhận rõ nét hơn lịch sử, văn hóa của dân tộc thông qua văn học?

NMC: Công việc chính của tôi vẫn là nghiên cứu và giảng dạy. Bên cạnh đó, việc sáng tác văn học về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính hôm nay lại rất gần với công việc mà tôi đang làm. Bởi lẽ, Trường Sĩ quan Chính trị là nơi đào tạo sĩ quan chính trị, những người được mệnh danh là “sĩ quan tâm hồn” trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Văn học nghệ thuật sẽ góp phần tích cực trong bồi dưỡng tâm hồn anh Bộ đội Cụ Hồ cho những “sĩ quan tâm hồn” tương lai. Tôi hy vọng, những gì mình viết sẽ góp phần nhỏ giúp cho các thế hệ học viên hình dung được một thế hệ cha anh đã anh dũng, bất khuất, bình dị mà rất đỗi hào hoa như thế nào. Từ đó, họ biết sống xứng đáng với mầu áo quân nhân mà họ đang mặc mỗi ngày. 

PV: Kỷ niệm nào anh nhớ nhất có liên quan tới trường ca “Lòng tôi biên giới”?

NMC: Covid-19! Tôi ấp ủ ý tưởng, chuẩn bị tư liệu đã lâu, đến đợt giãn cách xã hội hồi tháng 4-2020, chúng tôi trực 100% tại cơ quan. Vào buổi tối, trong khu nội trú sĩ quan, tôi chủ yếu viết khi toàn trường tắt điện đi ngủ (cười). Tôi kê máy tính, dựa vào tường, cứ cọc cạch gõ phím cho đến khi ngủ thiếp đi…

PV: Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!