Không theo lối mòn

Cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 10 tại Việt Nam dưới sự bảo trợ của Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật thế giới (FIAP) kết thúc vào tháng 10. Nghệ sĩ nhiếp ảnh trẻ Nguyễn Hữu Thông (SN 1987, quê Bắc Giang) một lần nữa lại được xướng tên. Phần thưởng cho anh là tấm Huy chương bạc với tác phẩm “Bữa sáng ở chợ phiên”.

Tác phẩm “Bữa sáng ở chợ phiên” của NSNA Nguyễn Hữu Thông.
Tác phẩm “Bữa sáng ở chợ phiên” của NSNA Nguyễn Hữu Thông.

Cuộc chơi duyên nợ

Điều đáng nói là năm 2018, cũng bức ảnh này từng vượt qua hơn 48.000 tác phẩm để mang về cho anh giải đặc biệt (trị giá 2,5 nghìn USD) tại cuộc thi nhiếp ảnh uy tín hàng đầu nước Mỹ - Smithsonian Photo Contest.

Dẫu tay ngang đến với nhiếp ảnh chưa lâu song những kiến thức mà anh tự học hỏi được đã khiến nhiều nghệ sĩ gạo cội cũng bất ngờ. Đầu năm 2018, Nguyễn Hữu Thông được kết nạp vào Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và trở thành một trong những hội viên trẻ nhất khi mới hơn 30 tuổi. Dấn thân vào nhiếp ảnh một cách rất tình cờ và xác định duy nhất mục đích là... đam mê, thế nhưng chính điều đó đã ảnh hưởng lớn đến triết lý chơi ảnh của anh vì anh quan niệm: Đó là một hành trình đi tìm cái đẹp của tư duy sáng tạo, sự thăng hoa của những tâm hồn yêu nghệ thuật và hoàn toàn không thể vì cơm áo gạo tiền. “Nhiếp ảnh cũng là một môn nghệ thuật, thế nên cảm xúc vô cùng quan trọng. Tôi sáng tác bằng cảm xúc, máy ảnh đôi khi chỉ là kỹ thuật, công cụ mà thôi. Để có cảm xúc tốt thì người chụp ảnh cần có nhiều trải nghiệm, vốn sống, kiến thức và sự rung động của tâm hồn. Khi chụp tôi chỉ nghĩ đó là thứ tôi yêu thích chứ không hề nghĩ nó sẽ dành cho cuộc thi nào hay mục đích gì”, Nguyễn Hữu Thông chia sẻ.

Quê ở thôn Lương Tài, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên (Bắc Giang), tốt nghiệp Đại học Y tế cộng đồng, hiện anh đang công tác tại Bệnh viện mắt Alina Vietnam. Công việc bận bịu nhưng tranh thủ dịp nghỉ lễ, Tết, cuối tuần hay dịp nghỉ phép, nghệ sĩ trẻ lại dành thời gian cho những chuyến săn ảnh. Có khi địa điển chỉ đâu đó ven Thủ đô Hà Nội nhưng cũng lúc xa tới vài trăm hoặc cả nghìn cây số.

Năm 2012, anh được cử lên huyện Xín Mần (Hà Giang) công tác, trình độ tay máy lúc ấy chỉ là “vỡ lòng”, chụp ảnh chủ yếu phục vụ làm tài liệu báo cáo và lưu giữ khoảnh khắc yêu thích nơi mình đặt chân đến. Không ngờ những bức ảnh đó được bạn bè ngợi khen và động viên rất nhiều. Có động lực, anh lên mạng internet tìm hiểu thêm kỹ thuật chụp ảnh, chẳng mấy chốc đã dần làm chủ được công nghệ. Năm 2015, Thông mới chính thức bước vào con đường chuyên nghiệp và tấm Huy chương bạc tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía bắc là dấu mốc quan trọng.

Tài hoa

Trong những bức ảnh của anh, con người và cảnh vật đều hiện lên bình dị, gần gũi và rất đời, rất thật, đó là một câu chuyện về những số phận, của văn hóa vùng miền. Đó là những gánh hàng rong, những mảng mầu kiến trúc bên phố cổ Hội An, một nét trầm nơi cố đô Huế, “Chợ sớm” ở Đồng Văn, “Em bé vùng cao” ở Mèo Vạc (Hà Giang) và Xín Mần, những ruộng bậc thang, cung đường cua tay áo Tây Bắc, một đồi cát Bình Thuận, thác Bản Giốc hùng vĩ… Đặc biệt, trong số tác phẩm mà Nguyễn Hữu Thông chụp, thì có đến 90% số ảnh là về vùng đất biên cương phía bắc và cũng 90% số giải thưởng mà anh có được sáng tác từ vùng đất này.

Đến giờ, Nguyễn Hữu Thông khó nhớ hết những lần được nhận giải thưởng về ảnh, hầu như các cuộc thi anh tham gia đều chí ít cũng có ảnh triển lãm. Có thể kể đến như: Giải nhất cuộc thi ảnh của tổ chức Plan International khu vực châu Á, giải nhất của Trường đại học Bắc Carolina Hoa Kỳ (năm 2013); năm 2015; năm 2017: Huy chương bạc Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía bắc, giải ba nhiếp ảnh Heritage; khuyến khích Festival nhiếp ảnh trẻ toàn quốc và giải ba Canon photo Marathon khu vực miền bắc; năm 2018: Huy chương bạc Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía bắc, giải nhì cuộc thi ảnh “Chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân Việt Nam” do Ủy ban châu Âu - EC, Ngân hàng thế giới - World Bank và Báo điện tử VOV tổ chức; năm 2019 Huy chương bạc tại Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía bắc…

Mỗi năm Nguyễn Hữu Thông dành ít nhất hai chuyến đi sáng tác ảnh dài ngày tại các địa phương trong nước (mỗi chuyến 3 - 4 ngày). Với anh, nhiếp ảnh luôn đòi hỏi sự sáng tạo, mới mẻ và không chấp nhận những lối mòn xưa cũ. Anh tâm sự: Mặc dù nhiếp ảnh trẻ hiện nay rất năng động, có kỹ thuật, thiết bị và kiến thức tốt nhưng khó khăn với họ là đổi mới tư duy để không bị trùng lặp với những cái bóng quá lớn của thế hệ nhiếp ảnh đi trước. Đam mê nhiếp ảnh là chấp nhận những khó khăn, thậm chí nguy hiểm đến nghẹt thở. Đôi khi để có một góc chụp, khoảnh khắc ưng ý, nghệ sĩ phải đi lại khảo sát nhiều lần và phục cả buổi chờ bấm máy.