Khi người “cung nữ” lên sân khấu

Nhà hát Kịch nói Quân đội vừa dàn dựng và tổ chức biểu diễn vở “Nỗi u sầu” (Kịch bản: PGS Tất Thắng; đạo diễn: TS, NGƯT Lê Mạnh Hùng) để chuẩn bị tham gia liên hoan Quốc tế sân khấu thể nghiệm lần thứ tư.

Cảnh trong vở diễn.
Cảnh trong vở diễn.

Vở diễn xoay quanh nhân vật trung tâm là Phương Thảo, một cô thôn nữ xinh đẹp thôn Đoài. Cô có một tình yêu trong sáng với Thanh Minh, một thanh niên thật thà chất phác, thủy chung với mối tình dành cho Phương Thảo.

Ngay từ hồi kịch thứ hai, vở diễn đã tạo ra sự kiện kịch mang tính bước ngoặt với số phận của nhân vật trung tâm Phương Thảo. Đó là cuộc gặp giữa nàng và nhà vua đang cải trang đi vi hành. Cuộc gặp đó đã gây choáng ngợp cho nàng… Sau cuộc gặp, là một thánh chỉ ban xuống, cho nàng nhập cung. Thân mẫu, người yêu đều can ngăn nhưng nàng đành lòng bỏ ngoài tai chữ hiếu, chữ tình. Với khát vọng thay đổi cuộc đời nghèo khó, muốn một lần sống trong nhung lụa xem cái sự giàu sang phú quý nó ra làm sao, nàng đã quyết nhập cung, bỏ lại người mẹ già, bỏ lại tình yêu đã bấy lâu thề non hẹn biển.

Nhưng nàng sớm chứng kiến cảnh “giai lệ tam thiên” (hậu cung ban nghìn người, chỉ một người được yêu). Cuối cùng nàng đã mượn cửa Thiền để sống hết quãng đời còn lại. Vở diễn mượn câu chuyện xưa để giáo dục thế hệ ngày nay về đạo làm người. Lòng tham lam, ích kỷ sẽ phải trả giá, sự giàu sang phú quý dễ làm cho con người ta lầm đường lạc lối…

Có thể nói vở diễn đã khắc họa thành công hình ảnh người “cung nữ” trong xã hội phong kiến. Ngôn ngữ đối thoại đã được tác giả trau truốt nên khiến khán giả thích thú, nhất là những đoạn độc thoại đã gây xúc cảm cho khán giả. Xong vở diễn sẽ tạo dư âm sâu hơn trong lòng khán giả nếu cấu trúc kịch của vở diễn được chặt chẽ hơn. Sự kiện kịch còn mờ nhạt, mâu thuẫn xung đột chưa tạo được kịch tính, khiến cho khuynh hướng tính cách nhân vật còn khá mờ nhạt. Nhân vật trung tâm chưa được tạo dựng thành mắt xích xâu chuỗi liên kết các nhân vật, mối liên hệ giữa các nhân vật chưa cao, chưa có chiều sâu.

Vở diễn “Nỗi u sầu” đã chọn một đề tài khó, bởi lẽ lâu nay các vở kịch khi viết về đề tài lịch sử thường xoay quanh các vị vua sáng, tôi hiền, các bậc anh hùng có công với dân với nước… Nhưng vở diễn đã khắc họa thành công hình tượng nhân vật người “cung nhân” trong xã hội phong kiến xưa, mang lại cho khán giả cái nhìn chân thực về cuộc sống, số phận những con người sống ở nơi gác tía lầu hồng mà không được hưởng hạnh phúc.