Hạnh phúc góp phần nhỏ bé

Tham gia chương trình “Vượt qua đại dịch”, tác phẩm “Định” của họa sĩ Trần Hoàng Sơn (Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam) ở trong số các tác phẩm được đấu giá thành công để ủng hộ công tác phòng, chống Covid-19. Họa sĩ chia sẻ với Thời Nay.

Họa sĩ Trần Hoàng Sơn. Ảnh nhân vật cung cấp
Họa sĩ Trần Hoàng Sơn. Ảnh nhân vật cung cấp

Phóng viên (PV): Xin chúc mừng họa sĩ với bức tranh vừa được bán đấu giá ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Vì lý do nào anh gửi gắm tác phẩm tham dự chương trình “Vượt qua đại dịch”?

Họa sĩ Trần Hoàng Sơn (THS): Vào một ngày đẹp trời, tôi được một giám tuyển nghệ thuật gọi điện và mời tham gia chương trình “Vượt qua đại dịch”. Nghe vậy, trong lòng tôi tràn đầy niềm hứng khởi hạnh phúc. Không đắn đo suy nghĩ, cũng không cân nhắc suy tính thiệt hơn và càng không nghĩ đến danh lợi gì… Hành động thôi! Tham gia thôi! Bụng bảo dạ như vậy đấy.

PV: Mỗi họa sĩ có sẵn nhiều tác phẩm đang lưu giữ. Mỗi tác phẩm tham dự đấu giá, đương nhiên cũng không cần phải gắn với chủ đề chống dịch. Nhưng vì sao anh quyết định chọn tác phẩm này để tham gia? Có thể coi đó là ba bức tranh riêng góp vào một tổng thể, hay là một bức tranh có ba phần?

THS: Một may mắn trong hành trình sáng tác nghệ thuật của tôi là luôn cảm được cái tâm mình trong sáng… và may mắn hơn khi được hòa cùng với sự đồng cảm của mọi người. Trong chương trình này mọi cái đều đến tự nhiên như tác phẩm của tôi vậy, không đề tài, không nội dung… bởi vốn nó đã như thế rồi.

Những tác phẩm của tôi luôn có một sự xuyên suốt tràn đầy, đó là tính “Thiền”. Tác phẩm “Định” cũng là nghĩa đó nhưng ở một thức khác. Do vậy, tôi không lựa chọn mà “nhặt” một cái mang đi tham gia. Tác phẩm là bộ tranh có tổng thể chặt chẽ không thể tách rời.

PV: Được biết, tác phẩm được đấu giá thành công với giá 31 triệu đồng. Cá nhân anh vừa ở khía cạnh nghệ thuật, lẫn góc độ làm thiện nguyện, anh có ưng ý với mức giá này không?

THS: Khi đã thỏa hiệp và “buông” với lòng mình thì giá trị không còn là quan trọng nữa. Tôi coi nó như một điều đẹp đẽ đang sắp hình thành. Tuy nhiên, thực tế vẫn không thể tránh khỏi là quy đổi nó ra tiền để dễ bề thực hiện công việc thiện nguyện, được bao nhiêu hay như thế nào thì tôi vẫn rất hạnh phúc vì góp một phần nhỏ bé vào “Vượt qua đại dịch”.

PV: Tác phẩm nghệ thuật tham gia hoạt động thiện nguyện, một điều quan trọng là vẫn cần cảm nhận nó đúng giá trị nghệ thuật. Anh mong những người mua tranh của mình nói riêng, của chương trình nói chung, sẽ ứng xử ra sao với giá trị các tác phẩm?

THS: Thực tế trong đấu giá tranh, cốt sao bán được tác phẩm cho người trả giá cao nhất và bán được mới thành công, còn tiền thì có thể về với tác giả hoặc đối tượng khác, tùy hoàn cảnh. Giá trị nghệ thuật nằm ở chính tác phẩm và giờ nó biến thành trị giá với người sở hữu nó. Cho nên việc ứng xử với tác phẩm luôn được tôn trọng và rõ ràng khi biến nó thành trị giá tiền tệ. Việc gì ra việc ấy, tác giả phải chấp nhận các quy định của “cuộc chơi”.

Với phiên đấu giá lần này thì lại khác, các tác phẩm nghệ thuật được lựa chọn với nhiều tiêu chí khác nhau, mục đích chính là bán lấy tiền để làm từ thiện. Và nghệ sĩ ủng hộ 100% số tiền bán được.

Điều may mắn đã đến với tác phẩm của tôi khi một nhà sưu tập trẻ mua nó. Anh là người yêu thích nghệ thuật và có tấm lòng nhân hậu.

PV: Cùng có tác phẩm được đấu giá thành công với anh đợt đầu này trong chương trình còn có các họa sĩ nào nữa? Anh nghĩ sao về sự khả quan của những chương trình “thiện nguyện nghệ thuật” kiểu như thế này, khi xã hội xuất hiện khó khăn, cần sự chung tay của cộng đồng, của nghệ sĩ?

THS: Cùng đồng hành thiện nguyện với tôi có nhiều tác giả đã thành công trong phiên đấu giá, gồm các nghệ sĩ ở các thế hệ khác nhau như họa sĩ, nhà phê bình Phan Cẩm Thượng, họa sĩ Vũ Đình Tuấn, Vũ Huy Thông, Doãn Hoàng Kiên, Hồ Trọng Minh, Trần Công Dũng, nhà điêu khắc Thái Nhật Minh, Phạm Thái Bình…

Nhiều nghệ sĩ trẻ ngày càng có trách nhiệm hơn với cuộc sống quanh mình và cộng đồng. Nắm được tinh thần này, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật đang tích cực hỗ trợ họ trong việc phát triển nghề nghiệp cũng như mời tham gia các sự kiện thiện nguyện. Với cách làm của chương trình lần này, hy vọng đây sẽ là động lực mạnh mẽ cho nghệ sĩ và cũng là cơ hội để nhà sưu tập sở hữu những tác phẩm nghệ thuật tốt nhất, góp phần vào hoạt động thiện nguyện trong xã hội.

PV: Xin cảm ơn họa sĩ!