Hai anh em cùng mê đĩa than

Nằm ở số 103, phố Yên Lãng, quận Đống Đa, “Hà Nội đĩa than” mấy năm nay đã trở thành điểm hẹn thường xuyên của người yêu nhạc, đặc biệt là mê âm thanh phát ra từ những chiếc đĩa than cổ. Chủ nhân của nơi được mệnh danh rạp hát mini này là hai anh em ruột.

Ông Đăng giới thiệu một đĩa than ghi bản nhạc của Mozart.
Ông Đăng giới thiệu một đĩa than ghi bản nhạc của Mozart.

Rạp hát mini độc đáo

Suốt 40 năm qua, cựu chiến binh Trần Đại Dương (SN 1960) và em của ông là Trần Hải Đăng (SN 1963), hiện là Phó Viện trưởng Âm nhạc - Học viện Âm nhạc quốc gia có chung niềm đam mê đến kỳ lạ với những món đồ âm nhạc cổ, đặc biệt là đĩa than.

Từ một đoạn mương, năm 2013 bỗng “biến thành” đường Yên Lãng. Nhà ông Đăng ra mặt đường và cái biển “Hà Nội đĩa than” từ đó. Gọi đây là quán cũng được vì có mua bán, trao đổi. Nhưng ông Dương cho biết: “Chúng tôi không coi nặng việc mua bán, chỉ mong anh em chung đam mê, sở thích có một điểm hẹn âm nhạc để cùng nhau nghe và đàm đạo”.

Toàn bộ gần 50 m² tầng 1 và một phần tầng 2 dường như quá nhỏ bé để chứa kho âm nhạc cổ, độc đáo, đồ sộ với hàng chục bộ loa đủ các kích cỡ và không biết bao nhiêu chiếc máy phát đĩa nhạc đủ hình dạng. Ở “Hà Nội đĩa than”, người ta có thể nhìn thấy những bộ máy phát đĩa cổ của Đức, Mỹ, Nhật Bản sản xuất suốt từ đầu đến cuối thế kỷ 20, cùng một số bộ loa Revox được sản xuất từ thập niên 60-70 tại Đức. Đặc biệt là hai bộ loa đại với hộp bằng gỗ được sản xuất tại châu Âu và Mỹ cách đây khoảng 80 năm. Đôi loa hộp gỗ to như chiếc tủ quần áo, nặng trên một tạ này, theo ông Dương, hiện hay ở Việt Nam chỉ có hai đôi, nhưng đôi ở đây là nguyên bản nhất. Ngoài ra có những đôi loa cũ kỹ, máy phát đĩa đã bạc mầu theo thời gian hiện chỉ có ở “Hà Nội đĩa than”. Ông Dương nói thêm: “Sành âm nhạc sẽ biết được giá trị thực của những bộ loa, máy phát này. Chỉ cần sơn sửa lại chút phần hộp gỗ là coi như bộ loa ấy bỏ đi”.

Bất cứ góc nào của căn phòng cũng có thể trở thành rạp hát với đủ các loại đĩa, loa, máy phát để rồi qua vài thao tác là âm nhạc vang lên, đủ các cung bậc, âm điệu. Những chồng đĩa than đủ các kích cỡ, chạy suốt các thời kỳ âm nhạc từ đầu thế kỷ 20 cho đến nay được hai ông trưng bày khắp căn phòng. Có thể tìm thấy bản thu âm Festival nhạc Blues diễn ra năm 1975 quý hiếm, bộ đĩa của nhà soạn nhạc thiên tài Beethoven được thu âm vào thập niên 60, 70 mang tên “Người đẹp ngủ trong rừng”, do chính bạn ông Đăng mua từ Pháp về tặng…

Ông Đăng cho biết mình có nhiều kỷ niệm nhất với đĩa than cổ Concert Pha thứ đầu thế kỷ 20 lưu lại những bản nhạc của nhà soạn nhạc thiên tài người Đức Carl Maria Von Weber (1786-1826). Những bản nhạc này được các nhạc công gạo cội của thế giới thể hiện bằng kèn clarinet. Mỗi khi nghe lại đĩa nhạc này ông vẫn cảm thấy nổi da gà và sung sướng run người! Clarinet cũng là loại nhạc cụ ông Đăng từng theo học ở Học viên Âm nhạc Quốc gia và thi tốt nghiệp bằng chính những bài trong đĩa nhạc này.

Đặc biệt, hai anh em Dương - Đăng còn sở hữu một số chiếc đĩa than cực cổ của nhà bác học thiên tài Thomas Edison từ cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20. Ít người biết rằng Edison ngoài việc phát minh ra bóng đèn, máy điện báo, ông còn phát minh ra máy hát quay tay, đĩa than (1877). Chiếc đĩa than ghi âm nhạc cổ của Edison dày đến 5 mm, gấp 4-5 lần đĩa than thông thường.

Hai ông hiện cũng lưu giữ những đĩa than rất hiếm tại Việt Nam như “Cô gái vót chông” do NSND Tường Vi thể hiện từ thập niên 70, đĩa nhạc Khánh Ly - Trịnh Công Sơn với tên gọi “Hát cho quê hương Việt Nam”, đĩa dân ca quan họ Bắc Ninh, dân ca Nghệ Tĩnh qua sự thể hiện của các nghệ sĩ Thanh Hoa, Thúy Cải, Thu Hiền… Đặc biệt, ông Đăng kể: “Tôi đã rất may mắn khi có được bản thu âm năm 1942 tại Hồng Công (Trung Quốc) của NSND Quách Thị Hồ. Nhiều người nghiên cứu ca trù vẫn phải tìm đến để có được những tài liệu quý hiếm hơn vàng này”. Trong kho đĩa than, còn có một bộ mang trên mình chữ ký của nhà văn Nguyễn Đình Thi do chính con gái ông tặng. Ông Dương nhẩm tính: “Lúc cao điểm nhất, chúng tôi đã sở hữu trên một vạn chiếc đĩa than các loại, nhưng hiện nay số lượng giảm đi đôi chút do anh em cùng đam mê đến năn nỉ mua lại”.

Hai anh em cùng mê đĩa than ảnh 1

Một phần kho đĩa than âm nhạc cổ ở “Hà Nội đĩa than” của hai ông Dương - Đăng.

Công phu cho đam mê

Nhiều khách mộ điệu đã tìm đến “Hà Nội đĩa than” để thưởng thức âm nhạc. Có những người mê quá, còn yêu cầu ông Dương mang một bộ máy phát đĩa, loa cổ đến tận nhà lắp cho mình. Từ khắp các tỉnh miền bắc, Tây Nguyên, TP Hồ Chí Minh…, dù là người đam mê lâu năm, hay mới thích, là doanh nhân, công chức, bác sĩ hay người chạy xe ôm… khi đến với “Hà Nội đĩa than” đều được “chiêu đãi” âm nhạc miễn phí. Nếu gặp được cả hai ông Dương - Đăng tại nhà thì mọi người còn được nghe những chia sẻ về âm nhạc…

Ông Dương bật cho tôi nghe các thể loại âm nhạc bằng những chiếc máy phát đĩa khác nhau, rồi cho ra âm thanh ở nhiều chiếc loa lớn, nhỏ. Từ những bản nhạc đồng quê du dương cho đến các bản Rock cuồng nhiệt được thu từ thập niên 60, 70, 80, rồi nhạc của “tượng đài” Michael Jackson lừng danh… Chia sẻ một kinh nghiệm đơn giản mà người thưởng thức âm nhạc cần biết, ông Dương nói: “Vị trí của hộc loa luôn luôn phải đặt ngang bằng với tai người thì âm thanh lúc đó mới vọng đến chuẩn nhất”. Hai ông còn giảng giải về đặc điểm, niên đại, chất lượng độc đáo… của những chiếc máy phát, chiếc đĩa, đôi loa. Ông Đăng nói: “Tuy số lượng đĩa của nhà tôi có cả vạn chiếc, nhưng không phải xô bồ mà đều được chọn lọc kỹ càng. Tôi chỉ sưu tầm, chơi, nghe những đĩa nhạc có giá trị về mặt nghệ thuật, những đĩa của những nhạc sĩ, ca sĩ đã được khẳng định vị thế tiêu biểu trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, cũng như trên thế giới”. Trong suốt 40 năm chơi, sưu tầm âm nhạc, có rất nhiều câu chuyện kỳ thú mà hai ông đã trải qua. Có lần nghe ở TP Hồ Chí Minh mới về một quả loa độc, hay chiếc máy phát cổ là ông Đăng liền bay ngay trong đêm vào. Ngày hôm sau món đồ đó đã hiện diện ở “Hà Nội đĩa than”.

Chơi đĩa than phải rất công phu, am hiểu âm nhạc. Từ cách lau đĩa đến đặt bài như thế nào, hết bài lại phải chuyển. Bảo quản đĩa than quan trọng nhất là tránh bụi, thường phải bọc nylon, để nơi khô ráo và mỗi lần nghe phải lau sạch. Đĩa than có độ bền hàng trăm năm, nếu được bảo quản tốt. So với đĩa CD, VCD, DVD thì đĩa than có âm vực dài hơn, nghe bền tai hơn, đằm thắm hơn và có chất mộc mạc riêng.

Nhiều người coi “Hà Nội đĩa than” như một rạp hát độc đáo tại gia của hai anh em Dương - Đăng. Người anh đam mê đĩa than, âm nhạc từ bé, chịu khó tìm hiểu, mày mò nên có thể chỉnh sửa được các loại loa, máy phát… Còn người em có chuyên môn chuyên sâu khi học và công tác tại Học viện Âm nhạc Quốc gia suốt 40 năm qua. Hai anh em tạo nên sự kết hợp hoàn hảo cho thú chơi âm nhạc độc đáo này với một triết lý đơn giản: “Hãy luôn sống thanh thản và khi rỗi rãi lấy âm nhạc để xua đi những ưu phiền của cuộc đời”.