Góp sức gìn giữ văn hóa Chăm

Với lòng yêu nghề và muốn giữ gìn, phát huy văn hóa dân tộc mình, các nghệ nhân người Chăm ở Ninh Thuận đã “khăn gói” về làm việc tại phòng Văn hóa Nghệ thuật Dân gian Chăm thuộc Di sản văn hóa Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam).

Thiên Thành Vũ thổi kèn saranai.
Thiên Thành Vũ thổi kèn saranai.

1. Tiếp chúng tôi giữa khoảng thời gian nghỉ của buổi biểu diễn là Thiên Thành Vũ (1990), một trong bốn nghệ nhân Chăm đang làm việc cho đội văn công, cũng là người sử dụng được nhiều nhạc cụ dân tộc Chăm nhất ở đây. Vũ quê huyện Ninh Phước (tỉnh Ninh Thuận), sinh ra trong một gia đình truyền thống ba đời chế tạo và chơi nhạc cụ dân tộc của người Chăm. Từ lúc 12 tuổi, cùng với sự truyền dạy của cha và ông, Vũ vừa học chơi nhạc, vừa học chế tác các nhạc cụ truyền thống. Đến nay, Vũ có thể chơi thành thạo được các nhạc cụ của người Chăm là trống ghi năng, trống paranưng, kèn saranai, đàn kanhi. Trong đó, khó học nhất là loại kèn saranai - một nhạc cụ không thể thiếu trong tất cả các buổi biểu diễn.

Đây là loại nhạc cụ được làm bằng sừng trâu, xương voi hoặc ngà voi. Tuy nhiên, hiện nay người Chăm chủ yếu chế tác từ thân cây me, loại cây đã phát triển được nhiều năm, thân già, giữa thân có một cái lõi, người Chăm dùng phần lõi đó của cây để làm kèn. Kèn saranai được cấu tạo tượng trưng cho cơ thể một con người với ba bộ phận: đầu, thân, chân. Trên kèn có bảy nốt nhạc tượng trưng cho bảy bộ phận trên khuôn mặt. Cách thổi kèn cũng khác, thường các nghệ nhân sẽ thổi liên tục một hơi dài từ 5 - 30 phút tùy theo bài nhạc. Vì vậy, mỗi nghệ nhân thường mất nhiều năm liền để học cách thổi và cách lấy hơi, giữ hơi để tiếng kèn không bị ngắt quãng giữa chừng. Vũ đã phải mất hai năm để có thể lấy hơi và học mất 5 năm để có thể thổi và sử dụng thành thạo loại nhạc cụ này.

Những nhạc cụ dân tộc chỉ được sử dụng vào những lễ hội chính của người Chăm như lễ mở cửa tháp, lễ cầu đảo, lễ Katê… Mỗi thứ nhạc cụ đều tượng trưng cho thân thể một người, như trống ghi năng là hai chân, trống paranưng là thân người. Âm nhạc trống, kèn của người Chăm hiện nay có đến 72 điệu, mỗi điệu nhạc mang tính chất của một vị thần, mỗi bài nhạc cũng phù hợp mỗi ngày lễ khác nhau. Cha của Vũ, nghệ nhân Thiên Sanh Thềm thường theo các đoàn đi biểu diễn khắp nơi, không chỉ am hiểu âm nhạc, nhạc cụ dân tộc, ông còn là người biết học hỏi những cái mới mẻ ở bên ngoài. Biết rằng những quan niệm cũ đã không phù hợp hiện tại, cùng với mong muốn truyền bá văn hóa đồng bào, mong muốn con cái nối nghiệp mình, nên ngay từ nhỏ, Vũ đã được học sử dụng nhạc cụ ngay trong nhà chứ không cần ra đồng, xa làng như trước. Bây giờ, Vũ nối gót cha mình, tiếp tục học và chế tác, truyền bá văn hóa dân tộc mình nơi thánh địa Mỹ Sơn.

2. Mọi thứ đều là cơ duyên, Vũ gặp được Nghệ nhân dân gian Trượng Tốn - một người đầy tâm huyết với văn hoá Chăm đã từng làm việc tại Mỹ Sơn. Với khát khao truyền nghề lại cho thế hệ trẻ, cố nghệ nhân Trượng Tốn đã tìm và chia sẻ nhiều bài nhạc cho Vũ. Vũ cũng gặp đoàn công tác của Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn vào Ninh Thuận để “chiêu mộ” người tài về làm việc. Vũ đã nhận lời và “khăn gói” ra Mỹ Sơn năm 2010.

Đến nay, phòng Văn hóa Nghệ thuật Dân gian Chăm có bốn nghệ nhân chơi các nhạc cụ trống, kèn. Mỗi ngày, tại Mỹ Sơn có sáu suất biểu diễn múa Chăm và nhạc cụ dân tộc Chăm, bốn suất tại nhà biểu diễn và hai suất trong tháp với hơn 1.000 lượt khách đến xem, thưởng thức. Thiên Thành Vũ chia sẻ: “Mỗi ngày, nhìn khách du lịch hào hứng xem những tiết mục biểu diễn của mọi người, thích thú trước nhạc cụ truyền thống của người Chăm, mình lại càng mong muốn được giữ gìn và quảng bá nhiều hơn nét văn hóa của dân tộc mình. Cảm giác khi thổi những bài nhạc giữa thánh địa vừa thiêng liêng lại vừa có sự cung kính trước các vị thần cũng như trước những nét văn hóa của người Chăm”.

3 . Cùng với Vũ, Phú Bình Huyện (1997) cũng ra Mỹ Sơn làm việc từ năm 2014, trước đó, anh làm nghề dạy nhạc cụ cho các em nhỏ. Huyện là người thứ hai trong đội văn nghệ có thể thổi được kèn saranai, với sự giúp đỡ từ Vũ. Phú Bình Huyện tâm sự: “Từ nhỏ mình đã được học nhạc cụ truyền thống từ ông dạy, cứ học mãi, học mỗi người một ít lại có thể thành thạo với các nhạc cụ. Mình vẫn luôn mong muốn được truyền lại cách học cho những lứa sau nữa để nhiều người biết chơi nhạc hơn”.

Hai anh em đã cùng thay nhau biểu diễn các suất tại Thánh địa Mỹ Sơn nhiều năm qua với mong muốn được nhiều người thưởng thức những điệu nhạc của dân tộc. Cả hai cũng đã xác định chọn Mỹ Sơn là quê hương thứ hai của mình. Mỗi ngày, hàng nghìn du khách vẫn đều được nghe tiếng kèn saranai giữa thánh địa linh thiêng mang theo lòng yêu nghề và mong muốn quảng bá nét văn hóa dân tộc Chăm của hai chàng trai trẻ.