Đừng dễ dãi với thơ lục bát

Hội thảo khoa học về thơ lục bát do Trường ĐH Văn hóa Hà Nội mới tổ chức, làm nổi rõ sức cuốn hút của thơ lục bát qua chiều dài thời gian. Đồng thời cũng nhắc nhở về việc phải cẩn trọng, tôn trọng và sáng tạo nhằm làm đẹp hơn cho một di sản quý của dân tộc. 

Trao đổi ý kiến về thơ lục bát tại hội thảo.
Trao đổi ý kiến về thơ lục bát tại hội thảo.

1. Với chủ đề “Nhận diện thơ lục bát Việt Nam đương đại”, một phần nội dung hội thảo được “vòng lại” quá khứ để bàn về quá trình hình thành, phát triển, những đặc trưng thể loại, đặc điểm qua các thời kỳ của thể lục bát, thơ lục bát. Qua đó góp phần làm tấm gương chiếu để soi vào một phần đời sống sáng tác thơ lục bát thời hiện đại, đương đại với một số tác giả nổi bật hoặc được cho là nổi bật. 

Dường như hứng thú với câu chuyện lục bát, “đặc sản nước Việt”, nhiều tác giả hào hứng phân tích các vấn đề về mã thơ lục bát, thi pháp thơ lục bát đương đại, giới thiệu một số khuynh hướng nghiên cứu thơ lục bát thời gian qua… Từ đó, cử tọa cảm nhận được ít nhiều sự biến đổi trong sáng tác, đề tài, cách tổ chức vần, kết cấu, hình thức câu thơ, một số điểm mới mẻ, làm khác, làm lạ của thơ lục bát đương đại từ gốc gác lục bát truyền thống. Thí dụ như PGS, TS Hỏa Diệu Thúy và nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Dịu từ Trường ĐH Hồng Đức, Thanh Hóa cho rằng có sự lạ hóa thi liệu, lạ hóa cấu trúc hình thức trong một số tác giả. Theo đó, thì lục bát xưa thường gắn với không gian đồng quê và nỗi niềm trong đời sống tình cảm. Còn nay thì rất nhiều nội dung, câu chuyện xã hội, cả vấn đề nghị luận, tranh luận cũng hiện diện đa dạng trong thơ lục bát. Rồi thì câu thơ lục bát được bẻ dòng, vắt dòng, “cắt vụn”, dùng xen dấu để tách vế. 

2. Tuy nhiên, một số nội dung đáng và cần lưu tâm hơn cả, là lát cắt đương đại của thơ lục bát hôm nay với một vài biểu hiện cụ thể. Qua đó, cho thấy sự dồi dào, phong phú của việc tìm tòi cũng như hào hứng tiếp tục đồng hành với thể lục bát của nhiều nhà thơ. Nhưng cũng có cả những nhược điểm, hạn chế trong phong trào sáng tác, mà như PGS, TS Ngô Văn Giá chỉ ra, là: Do thể lục bát vừa quen vừa lạ, quen ở thể thức, lạ ở sáng tạo độc đáo, riêng có, nên nhiều người viết không thấy được thử thách chết người của thể thơ này: ai cũng có thể bẻ vần làm ra một câu lục bát, nhưng không phải bao giờ cũng thành thơ và không phải bao giờ cũng là thơ có giá trị. Và nhà nghiên cứu cảnh báo: “Cho nên, ý thức đầu tàu của những nhà thơ hằng tâm niệm “sống thơ lục bát” rất nên tiết chế, không theo kiểu tiện miệng bạ đâu cũng bẻ vần bẻ vè để rồi bị truyền thông loan ra làm cho thơ lục bát bị ảnh hưởng tới giá trị của thể loại thơ này”.

Đây là nhận định và cảnh báo đáng lưu tâm trong bối cảnh ở nước ta, đông đảo tác giả sáng tác thơ, mà trong đó, rất phổ biến, rất quen chính là việc vận dụng thể lục bát. Cùng với đó, việc quảng bá thơ lục bát, tôn vinh tác giả thơ lục bát cũng có dấu hiệu quá đà, ồn ào khi điểm mấu chốt quan trọng nhất là chất lượng tác phẩm lại thấp hoặc “thường thường bậc trung”. Ngay cả trong một số tham luận tham dự cuộc hội thảo, việc chọn tác giả tiêu biểu để phân tích thí dụ, nhằm làm nổi lên diện mạo thơ lục bát đương đại, ngẫm ra cũng chưa được chắt lọc cho lắm. Thí dụ trường hợp trích dẫn thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh: “Lần đầu tiên đi xe ga/Thấy rằng nó cũng khá là vi vu/Lần cuối cùng đi xe gì/Thế mà cũng hỏi hì hì/Xe tang” (Chà chà chà); hoặc thơ Bảo Sinh: “Con ta không phải của ta/Tai họa của nó mới là của ta…”; hoặc thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành: “… Dòng Thương/tôi đợi bên bồi/Em thì bên lở/cứ ngời ngợi thơm…”; hay thơ Huy Tưởng: “một trời hiu quạnh dồn lên/sóng nghiêng lả ngọn trăng im nao lòng/cũng đành bỏ chuyến về không/nhớ thương bề bộn đêm chong mắt thuyền” (Đêm ngủ trên thuyền)… Có lẽ với chính các tác giả như trên, cùng nhiều tác giả khác, thì việc tìm ra những câu thơ lục bát đặc sắc, xuất chúng cần được đầu tư hơn nhằm tăng tính thuyết phục. Cũng như việc quan sát rộng rãi để khai thác, cảm nhận, phân tích được nhiều nhà thơ, tác giả lục bát đương đại hơn nữa càng phải được chú trọng, nhằm đem lại cái nhìn đa dạng, sinh động về mạch chảy lục bát bền bỉ với nhiều hào hứng cách tân, sáng tạo của các tác giả hôm nay. 

3. Đặt ra, phác thảo diện mạo thơ lục bát đương đại là mục tiêu rất thú vị. Hội thảo là sự nhận định và gợi mở cho những bước đi mới nhằm giúp công chúng làm quen hơn với những sáng tạo lục bát mới, các tác giả, tác phẩm lục bát đáng chú ý, nên tìm đọc. Cũng như, có thể gợi cho cả việc tập hợp, biên soạn một tuyển tập thơ lục bát đương đại đặc sắc Việt Nam nhằm cung cấp cho bạn đọc rộng rãi. Sự soi chiếu tinh tế và lôi cuốn của các nhà chuyên môn, sẽ rất giúp ích cho những người sáng tác.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Liên quan đến vấn đề thẩm và sáng tạo, có thể thấy thị trường cho chúng ta viết thơ lục bát là mênh mông. Trong đó có việc đem  thơ lục bát sử dụng cho các phong trào ca hát dân ca, diễn xướng truyền thống. Thơ lục bát có thể được sử dụng trong rất nhiều trường hợp để phục vụ nhu cầu xã hội. Đấy là thế mạnh của thơ lục bát.