Nhạc sĩ Giao Tiên:

Đời như điệu nhạc

Tôi tìm đến nhà ông tại TP Cam Ranh (Khánh Hòa), một vùng đất của cát trắng và gió. Căn nhà cấp bốn, nằm ven trên sườn đồi. Trong nhà, một bên là cây đàn guitar, một bên tủ nhạc gồm đĩa CD và sách nhạc của ông đã in ấn. Mọi vật dụng trong nhà đều đơn sơ, giản dị.

Đời như điệu nhạc

Từ câu dân ca mẹ hát

Nhạc sĩ Giao Tiên có dáng người cao, mảnh khảnh, nước da trắng, nhìn bề ngoài của ông toát lên vẻ trẻ trung và sang trọng. Ông sinh năm 1941, tên thật là Dương Trung, quê ở huyện Hoài Nhơn, Bình Định. Từ nhỏ, ông đã có năng khiếu và yêu thích âm nhạc. Ông nhìn người lớn đàn, lắng nghe, rồi tập đàn theo, không học trường nào cả. Năm 15 tuổi, ông đàn rành rọt guitar, thổi harmonica.

Theo ông, sở dĩ ông sáng tác có thể là do ảnh hưởng từ mẹ lúc nhỏ thường hát dân ca, đọc truyện thơ, hát ru ông ngủ. Bà thường dắt ông đi xem cải lương, hát bội. Sau khi vào trung học, ông rất mê các tác phẩm “Gia huấn ca”, “Truyện Kiều”, “Nhị độ mai”, “Chinh phụ ngâm”... Nhưng đặc biệt, tác phẩm truyện thơ “Hoa tiên truyện” làm ông chú ý nhất. Bởi nhân vật chính có tên “Dương Giao Tiên”. Dương là họ của ông, nên ông yêu nhân vật ấy lắm. Chính vì vậy, sau này sáng tác âm nhạc, khi chọn bút danh cho tác phẩm đầu của mình ông chọn ngay tên”Giao Tiên” .

Khoảng năm 1969 - 1970, ông hoàn thành tác phẩm đầu tay với tựa đề: “Phận gái thuyền quyên”. Ca khúc thu đĩa, in ấn phát hành, được mọi người biết đến ngay. Hào hứng và phấn khởi, ông sáng tác hàng loạt ca khúc sau này đều nổi tiếng như “Cô Thắm về làng”, “Vó ngựa trên đồi cỏ non”, “Tình đẹp mùa chôm chôm”, “Nhớ người yêu”… Ca khúc “Cô Thắm về làng”, với ông, ấy là một kỷ niệm khó quên. Lúc đặt bút sáng tác ca khúc này, ông đã nghĩ rất nhiều về người chị ruột thứ chín. Chị ông, một người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, được tất cả mọi người trong làng xóm, bà con thân thuộc đều quý mến. Chị đảm đang, nhân hậu, là người nuôi ông ăn học thay cho cha mẹ nghèo khó, hết lòng bao bọc ông. Nghĩ đến ơn sâu nghĩa dày ấy, ông thấy mình không sao đền đáp được nên đã sáng tác và ca khúc ra đời…

Bước ngoặt

Một thời gian ông đi kinh tế mới, rồi đi Lâm Đồng, Sông Bé làm ăn. Nhưng ông làm đâu thất bại đó. Đến năm 1990, ông quay về Cam Ranh nuôi tôm, song lại thất bại tiếp, phải bán đìa trả nợ, sạch vốn trắng tay. Vợ ông phải bán bánh ú gồng gánh nuôi gia đình. Ông hằng ngày phải ngâm nếp, cắt lá, gói bánh để vợ đi bán. Sáng đến, ông đạp xe lóc cóc đi bỏ mối bánh ú khắp nơi. Mọi người không ai biết đó là nhạc sĩ, chỉ biết ông là ông Trung bán bánh ú dạo. Trong thời gian vất vả này, gần 20 năm cuộc đời, ông chỉ mong làm có đủ tiền nuôi con ăn học. Ông bỏ hẳn không đàn hát, không sáng tác nữa. Với ông, tình yêu âm nhạc, năng khiếu sáng tác bẩm sinh xem như kỷ niệm đẹp một thời tuổi trẻ.

Một buổi trưa mùa hè, trong nhà ông đang gói bánh ú cho vợ bỗng dưng nghe lời nhạc quen thuộc. Bỏ dở công việc, ông chạy ra đầu ngõ thì thấy anh bán cà rem đang mở bản nhạc “Tình đẹp mùa chôm chôm”, nhưng tên tác giả sáng tác không phải của ông. Ông bàn với vợ vào TP Hồ Chí Minh, tìm đến trung tâm âm nhạc phát hành bài hát của mình, xem thực hư thế nào. Thì ra, trong bao năm biệt tích không sáng tác, trong làng âm nhạc cũng nhiều người đã tưởng ông mất rồi, không còn nữa. Có người đã lấy nhiều bài nhạc của ông, thay tên đổi họ thành tên của mình. Thất vọng, ông ngậm ngùi trở về quê. Song cũng từ bước ngoặt này, nỗi khát khao, tình yêu âm nhạc trỗi dậy, ông bắt đầu sáng tác trở lại.

“Hồi xuân” tuổi xưa nay hiếm

Ngày đêm, ông lao vào sáng tác hăng say, nhiều tác phẩm được đến với công chúng như những ca khúc: “Hỏi vợ ngoài thành”, “Bến tương tư”, “Lần đầu tiên nói dối”…, rồi ra băng Cassette, CD như “Thương mối tình đầu”, “Bến tương tư”, “Duyên Thăng Long - Tình Hà Nội”. Ông in cả các tập ca khúc như “Quê hương và tự tình dân tộc” (2000), “Chuyện tình nơi làng quê” (2009), “Cánh chim Lạc Việt” (2009), “Vó ngựa trên đồi cỏ non” (2010), “Nhớ người yêu” (2012), “Cô Thắm về làng” (2013)… Có Luật Sở hữu trí tuệ bảo vệ bản quyền tác giả, những ca khúc của ông lang thang khắp nơi cũng trở về chủ cũ. Hằng tháng hoặc quý, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc, các chương trình ca nhạc, game show… lại gửi tiền bản quyền về cho ông. Cuộc sống khó khăn của ông dần thay đổi theo hướng tích cực hơn.

Ở tuổi 80, ông vẫn sáng tác đều đặn. Hiện nay, công việc hằng ngày của ông, sáng đến lo con cái gia đình xong, ông đi tập thể dục, uống cà-phê với bạn bè trong xóm, rồi về nhà sáng tác hoặc lên mạng xã hội Facebook, tìm kiếm các trang thơ cá nhân đọc. Có những bài thơ hay, cảm xúc, ông ngẫu hứng phổ nhạc miễn phí tặng cho tác giả. Đôi khi, có những tác giả thơ muốn ông làm đĩa CD nhạc, ông cầm ra Nha Trang hoặc vào TP Hồ Chí Minh làm giúp, chỉ lấy tiền xăng xe đi lại. Với ông, từ ngày có mạng xã hội, ông có nhiều thông tin và tiếp cận thơ ca dễ dàng hơn, cuộc đời vui hơn.

Thỉnh thoảng, ông có tham gia các chương trình khách mời như Đài Truyền hình Vĩnh Long, Đài TP Hồ Chí Minh, VTV9, VTV3… làm giám khảo cuộc thi âm nhạc. Có chút ít tiền, ông tham gia đi làm từ thiện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Chia sẻ về cuộc đời, sự nghiệp sáng tác âm nhạc của mình, ông tâm sự: “Cuộc đời mình gắn liền với miền quê, thăng trầm trắc trở, vui có, buồn có, đắng cay có, đôi khi cảm thấy mình giống như điệu nhạc bolero…”.