Dấn thân cho guitare

Nghệ sĩ guitare Vũ Đức Hiển không những góp công khơi dậy phong trào học guitare trong giới trẻ Hà Nội, mà còn tổ chức nhiều nhạc hội. Dù việc tổ chức ấy không thu được lợi nhuận, thậm chí “lỗ vốn” nhưng anh cho rằng mình được rất nhiều.

Nghệ sĩ Vũ Đức Hiển dạy cho các em nhỏ có năng khiếu.
Nghệ sĩ Vũ Đức Hiển dạy cho các em nhỏ có năng khiếu.

Xoay xở đủ nghề vẫn về với guitare

Vũ Đức Hiển sinh năm 1983 ở Hà Nội trong gia đình không có ai theo nghệ thuật. Khi lên 5 tuổi, Hiển được chị gái biết một chút về guitare, dạy cho những nốt nhạc đầu tiên. Lớn lên một chút, Hiển nghe đài và thích xem các chương trình dạy guitare, hâm mộ các nghệ sĩ guitare như Văn Vượng, Hải Thoại, Tạ Tấn… Guitare đã “chạm” vào chiều sâu suy nghĩ của Hiển nên khi học hết THPT, anh thi vào Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. 

“Ra trường năm 2004, đúng năm anh Thiều Quang, con trai nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, chưa xin được việc, lên Sơn La giảng dạy. Anh Thiều rủ tôi lên cùng để dạy guitare. Cuộc sống lúc đó cũng khó khăn do ít người học. Tại Sơn La, tôi đã cố gắng tổ chức một buổi độc tấu guitare đầu tiên trong đời. Ngày đó, chỉ bán được hai vé. Tôi đã dốc những đồng tiền cuối cùng để tổ chức, nên tối đó mấy anh em cộng sự của tôi phải chia nhau ăn gói xôi cá. Hai năm ở Sơn La của tôi trải qua khá nhiều biến cố”, Vũ Đức Hiển kể lại.

Hai năm trầy trật mưu sinh ở tỉnh miền núi, Hiển quay về Hà Nội kinh doanh cà-phê nhưng thất bại, anh xin đi dạy guitare cho một trường THCS, dạy khiêu vũ để trả nợ cũ rồi lại hùn vốn kinh doanh nhưng cũng chẳng lời lãi là bao. Trong những ngày tháng “bế tắc, không tìm được ý nghĩa”, nghe nhận xét của một nghệ sĩ: “Phong trào guitare ở Hà Nội bây giờ đuối quá, người ta chỉ chơi đệm để hát chứ không còn người chơi guitare cổ điển”, Hiển cảm thấy hơi tự ái, anh quay lại với guitare. Năm 2013, anh mở lớp cho các bạn trẻ và tổ chức các chương trình biểu diễn nhằm khơi dậy phong trào chơi đàn, giúp nhiều bạn trẻ biết về nghệ thuật guitare.

Mở và nối những tâm hồn guitare

Chỉ sau một năm, anh đã ổn định cơ sở dạy guitare và giúp đỡ cho một số cơ sở khác phát triển. Hiển đã lập blog và viết những bài về cảm thụ âm nhạc, guitare cổ điển sâu sắc và tâm huyết, chia sẻ nên nhiều người chú ý tới. Từ đó, học viên đến đông hơn. Công việc tạo cho anh cơ hội gặp gỡ một số nghệ sĩ khác. Hiển tâm sự: “Bất cứ ai khi đã yêu âm nhạc và guitare thì tâm hồn sẽ trở nên thanh sạch, con người hướng thiện hơn. Tôi muốn đem chút hiểu biết ít ỏi của mình để giúp các bạn muốn học đàn phần nào nhận ra được những cái hay, điều bình dị luôn có trong âm nhạc và cuộc sống”.

Cơ sở của Vũ Đức Hiển ở số 34 Trung Liệt (quận Đống Đa) mỗi ngày có 30 - 40 bạn trẻ đến học. Mỗi tuần anh đi dạy gia sư cho 18 người khác. Hiển cho biết, bây giờ nhiều gia đình ở Hà Nội muốn cho con học một môn nghệ thuật nào đó để phát triển năng khiếu, trong đó guitare cũng là một lựa chọn. Để học được tốt guitar, ngoài sự yêu thích, lòng kiên trì thì phải có thầy tốt để hướng dẫn. Nhờ những nỗ lực truyền dạy, nhiều học trò của anh đã thi đỗ vào Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.

Khi phong trào học đàn của giới trẻ Hà thành lên cao, một số nghệ sĩ quốc tế biết đến Vũ Đức Hiển và phát hiện tài năng của anh nên đã gợi ý Hiển đi biểu diễn guitare ở ngoài nước, đồng thời làm giám khảo chấm giải trong một số Festival guitare quốc tế. Trong CLB Vũ Đức Hiển, anh thường tổ chức những buổi giao lưu, biểu diễn giữa các học viên mới và cũ. Hiển chia sẻ: “Tôi đã tổ chức các buổi biểu diễn bán vé trang trọng và đều chuyên về guitare cổ điển, khoảng bốn lần/năm. Một số lần có sự tham gia của nghệ sĩ Phạm Văn Phúc, thành viên nhóm “Thất cầm” Hà Nội. Các chương trình đều kín chỗ và được ủng hộ nhiệt liệt”.

Trong ba năm qua, Hiển bỏ tiền túi tổ chức các Festival, mời các nghệ sĩ trong nước và quốc tế đến chấm giải. Hầu hết các chương trình do anh tổ chức cũng do anh tự bỏ chi phí. “Tôi biết là sẽ lỗ nhưng vẫn làm. Làm vì đam mê. Vì nghệ thuật. Song tôi mừng là mình đã tạo ra một sân chơi bổ ích cho giới trẻ”.

Cách đây hai năm, Vũ Đức Hiển ra mắt tập sách “Nhớ về vũ công” bao gồm 30 ca khúc, trong đó có 20 ca khúc Việt Nam chuyển soạn cho đàn guitare độc tấu và tám tác phẩm do anh sáng tác. Bây giờ thì Hiển đã có một số điều toại nguyện. Nhưng anh vẫn còn nung nấu ước mơ mở được trường dạy guitare liên kết quốc tế, giúp cho nhiều học viên có cơ hội du học, mang tiếng đàn guitare Việt Nam đến với thế giới.