Đã quen với dạy sáo online

Dịch Covid-19 đã buộc các giảng viên và học sinh, sinh viên phải thay thế phương pháp dạy và học theo cách online. Là một trong những người tiên phong đưa bộ môn sáo trúc lên dạy online từ nhiều năm nay, Ths, NSƯT Hoàng Anh (giảng viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) đã có những chia sẻ thú vị với Thời Nay.

NSƯT Hoàng Anh.
NSƯT Hoàng Anh.

Phóng viên (PV): Hẳn thời gian này anh cũng đang bận rộn với việc soạn và giảng bài online cho học sinh trong trường?

Ths, NSƯT Hoàng Anh (HA): Việc dạy và học online trong trường đã được Học viện và Khoa Âm nhạc Truyền thống định hướng ngay từ thời kỳ đầu của dịch. Còn bản thân mình đã quá quen thuộc với công việc này. Đó chính là cái duyên từ năm 2017 khi mình đã bắt đầu việc dạy học online cho các bạn có niềm đam mê với bộ môn sáo trúc trên toàn quốc (có cả nhiều bạn sống và làm việc ở nước ngoài) qua website www.hocthoisao.vn (hoặc hocthoisao.com). Từ đó tới nay có khoảng 6.000 bạn đăng ký thành viên, trung bình một tháng có khoảng 30 nghìn lượt truy cập vào học, trong đó hầu hết là các bạn không chuyên.

Vậy nên giờ khi cho các bạn học chuyên nghiệp ở trường học online thì cũng không còn bỡ ngỡ nữa. Tuy nhiên, đặc thù các bạn học sáo trúc chuyên nghiệp cần được tương tác tốt hơn giữa một thầy và một trò nên mình thường dùng gọi video trực tiếp qua Facetime, Zalo hoặc Facebook, Messenger, Video để hướng dẫn các bạn được trực tiếp nhất.

PV: Trong thời đại 4.0 thì việc dạy học online dần trở thành một xu thế tất yếu, thế nhưng đây là công việc không dễ, đặc biệt là với sáo trúc?

HA: Đầu tiên phải khẳng định rằng, nếu có thể thì học trực tiếp tại lớp là biện pháp tốt nhất, khi đó thầy và trò có thể tương tác tốt hơn, nghe rõ hơn, nhìn rõ hơn, uốn nắn tay các bạn tốt hơn. Còn học online phải có đường truyền tốt. Mình nhận thấy chỉ có Facetime thì chất lượng âm thanh, hình ảnh mới tốt, sau đó tới Zalo, cuối cùng thì mới là Facebook, Messenger. Một số lỗi nhỏ nếu nghe tiếng sáo qua video đôi khi sẽ không có độ to, nhỏ, tương phản do âm thanh thu vào một số điện thoại đã được nén lên mức to nhất. Thế nên, khi trả bài online thì thầy hầu như không nghe rõ được sự tương phản, to, nhỏ trong câu cú xử lý tác phẩm của các em rõ ràng. Chính vì vậy mình đã tạo thêm một nhóm Facebook để các bạn ngoài thời gian trả bài trực tiếp thì post lên những video với chất lượng tốt nhất để thầy nghe. Do đó việc học online sẽ hạn chế hơn do phụ thuộc vào chất lượng điện thoại, chất lượng mạng, chất lượng phần mềm sử dụng, cách sử dụng.

PV: Được biết bên cạnh website, anh còn lập Fanpage và kênh YouTube để đưa các bài thổi sáo của mình lên mạng với nỗ lực hòa âm phối khí để tác phẩm tươi mới hơn, dễ đi vào lòng công chúng hơn, đặc biệt là giới trẻ. Anh có thể chia sẻ rõ hơn về công việc này?

HA: Ngoài công việc chính là dạy học ở trường cũng như dạy online thì mình vẫn phải đi biểu diễn và thu. Tối về rảnh rỗi, mình mới lên được Fanpage và YouTube để gặp gỡ giao lưu với các Fans. Thực ra, các bạn yêu sáo trúc ở hai kênh này cũng có yêu cầu mình chơi nhiều bài nhạc khác nhau, nhiều thể loại nhạc khác nhau, trong đó có thể nói chia thành hai đối tượng chính, là nhóm các bạn yêu thích nhạc trẻ và nhóm các bạn yêu thích nhạc dân ca quê hương trữ tình. Vì vậy, mình luôn cố gắng cân đối giữa chơi hai thể loại nhạc này. Nhạc quê hương trữ tình thì không thể thiếu, nhất là nhạc cụ dân tộc như sáo trúc.

PV: Là người nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy sáo trúc, anh có điều gì trăn trở về chất lượng bài giảng của bộ môn này trong nhà trường hiện nay?

HA: Không chỉ có sáo trúc mà hầu hết các bộ môn nhạc cụ dân tộc khác hiện nay đang thiếu những bài mới, tác phẩm mới, bản phối mới. Thế nên, mình nghĩ muốn âm nhạc truyền thống phát triển thì bài vở cho nhạc cụ dân tộc cần được phong phú hơn.

PV: Xin trân trọng cảm ơn anh!

Nói đến hai từ chuyên nghiệp thì phải nói tới năng khiếu và khổ luyện. Không có một trong hai thứ đó thì không thể theo được con đường chuyên nghiệp. Năng khiếu theo mình có thể chiếm tới 70%, còn lại 30% là sự khổ luyện. Năng khiếu cả về âm nhạc và cả năng khiếu thổi sáo nữa. Nhiều bạn có năng khiếu về âm nhạc nhưng lại hơi vất vả khi thể hiện nó trên sáo trúc hơn so các bạn khác. Và cũng có thể chia làm rất nhiều mức độ năng khiếu khác nhau cho mỗi bạn. Trong quá trình dạy học gần 16 năm, mình luôn nhắc các em điều này: Khổ luyện, khổ luyện và khổ luyện. (NSƯT Hoàng Anh)