Chiếu bóng một thời

Từng có một thời chiếu bóng vàng son, được săn đón trông chờ. Khi chiếc xe chở cỗ máy chiếu về làng, thì khắp cả vùng rạo rực, tưng bừng tưởng như mở hội.

Cảnh phim “Nổi gió”.
Cảnh phim “Nổi gió”.

1. Chỉ những người ở độ tuổi trung niên trở ra, mới có ký ức về những năm tháng đi xem chiếu bóng lưu động ngoài trời. Khi chiếc xe bò chở máy móc lộc cộc về làng, và chiếc phông vải ngả mầu căng lên trên sân kho, hoặc bãi đất đầu làng, cùng tiếng loa phóng thanh giới thiệu nội dung tóm tắt bộ phim được chiếu, thì cái làng nhỏ bé ấy, đang im ả, bỗng choàng dậy! Ngày ấy ở hầu khắp các làng quê Việt Nam phim ảnh là món ăn tinh thần được quần chúng yêu thích nhất.

Chiều, trẻ em rủ nhau rải chiếu, xếp gạch xí chỗ, để tối xem phim. Và khi cơm tối xong, bà dắt cháu, mẹ bế con, thanh niên nam nữ hẹn hò nhau đi xem phim vui như hội. Rất nhiều người đi bộ dăm bảy cây số để xem một bộ phim tâm lý xã hội... Còn nhớ những bộ phim “Mối tình đầu”, “Nổi gió”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn”, “Chị Tư Hậu”… đã thu hút hàng chục vạn lượt người xem. Vì hiếm bản phim, mà một đêm hai đội chiếu bóng được phân lịch chiếu chung một bộ. Họ tổ chức chiếu ở hai địa điểm cách xa nhau vài chục cây số. Thế là đội này chiếu được vài ba cuốn, thì người tiếp liệu của đội kia đã chờ sẵn ở đó, “chộp” luôn rồi buộc hộp phim lên pooc-pa-ga chiếc xe đạp công, phóng vội vàng về điểm chiếu của mình.

Thấy phim về, cả sân bãi đang đợi chờ bỗng ồ lên hò reo háo hức. Cứ như thế, chiếu hết một bộ phim phải ba lần đi đi, về về đạp xe ngót trăm cây số để kịp thời phục vụ nhân dân. Có điểm chiếu có vài nghìn người xem. Những năm ấy, mua được một vé xem phim hay là sướng lắm! Nếu được một tấm giấy mời thì như được vé du lịch bây giờ. Người thuyết minh hay, nhanh chóng trở thành thần tượng trong giới thanh thiếu niên lúc ấy.

2. Ở miền bắc tại nhiều tỉnh, thành phố, thời chiến tranh, có nhiều địa điểm được gọi là tuyến lửa, thành trọng điểm của giặc Mỹ bắn phá ác liệt. Nhưng rất nhiều nơi được xem chiếu bóng. Mỗi tháng đội chiếu bóng về phục vụ nhân dân từ một đến hai lần. Thời ấy, biên chế của một đội chiếu bóng đầy đủ có bảy người... và một chiếc xe bò làm phương tiện vận chuyển. Những lần phải qua sông, xe phải dừng lại, rồi tháo dỡ toàn bộ đồ đạc, máy móc thiết bị loa đài, chăn màn quần áo, nồi niêu chuyển xuống đò chở qua sông. Sang bờ bên kia thì nhờ xã viên khênh vác đồ nghề về điểm chiếu. Con bò kéo xe cũng quen dần với hoàn cảnh của chủ, nên chịu quấn dây thừng vào cổ rồi bơi sang sông, tá túc vài ngày, xong việc lại bơi trở lại bờ bên này, lại cần mẫn kéo chiếc xe đi khắp nẻo đường.

Những năm giặc Mỹ hay bắn phá ban đêm, đội chiếu bóng có sáng kiến may một tấm vải che ánh sáng của đèn chiếu, để máy bay trên cao không phát hiện ra, vậy mà có đêm vẫn phải dừng chiếu hai ba lần. Khi có báo động, người phụ trách máy chiếu tắt đèn, dùng mi-cờ-rô hướng dẫn đồng bào ổn định, bình tĩnh tìm nơi trú ẩn.

3. Thời ấy các phương tiện thông tin rất hiếm. Bởi thế, khi đội chiếu bóng về làng, các ông chủ nhiệm hợp tác xã, bí thư chi bộ thường hay tận dụng máy nói để tuyên truyền, phổ biến tin tức, tổng kết công tác thi đua, phát động phong trào. Nhiều đội chiếu bóng đã có thành tích xuất sắc phục vụ sản xuất và chiến đấu, nhiều lần được tặng thưởng của nhiều ngành, nhiều cấp.

Ngày ấy có phong trào “học và làm theo phim” được các hợp tác xã nông nghiệp hưởng ứng. Đội mang phim làm bèo hoa dâu, trồng điền thanh, cấy ngửa tay... về tận hợp tác xã chiếu cho bà con nông dân xem. Đội kết hợp với Tổ bạn điện ảnh thảo luận, bàn bạc cách làm theo phim ảnh, ứng dụng vào cuộc sống. Đặc biệt là giáo dục tinh thần yêu nước của thanh niên, lòng chung thủy của phụ nữ hậu phương đối với người chiến sĩ nơi chiến trận.

Lại nói Tổ bạn điện ảnh, đó là những người tâm huyết với phim ảnh, họ tình nguyện gia nhập vào tổ chức và tham gia sinh hoạt, giống như câu lạc bộ ngày nay. Nhiều điểm chiếu phim, khi giải tán rồi thì các thành viên của tổ ở lại họp, phân tích, thảo luận, cách làm theo phim. Người công tác chiếu bóng thời ấy không có chủ nhật, ngày lễ. Họ thay nhau nghỉ bù, thay nhau lên đường phục vụ. Nơi họ đến là những nhà kho, trường học được coi là điểm chiếu. Xa nhà dân, ngại khênh vác máy, ngủ luôn tại chỗ. Cuộc sống của họ thật vô tư, yêu đời. Một người vợ trẻ đi thăm chồng ở một Đội chiếu bóng lưu động. Đoạn đường chỉ có bốn chục cây số nhưng gần một ngày, cô loanh quanh đi tìm nhưng chẳng ai biết đích xác đội chiếu bóng ở đâu. Xế chiều, đang thất vọng, bỗng có tiếng loa chiếu bóng vang lên từ một làng gần đó. Người vợ vừa thấy chồng, đã khóc òa!

Không chỉ phục vụ trên hậu phương, anh chiếu bóng còn lên đường vào nam phục vụ các vùng giải phóng. Nhiều người vĩnh viễn không trở về… Năm tháng đã lùi vào quá khứ, nhưng hình ảnh về chiếu bóng một thời vàng son, vẫn còn sống mãi trong lòng nhân dân.