NSNA Hoàng Kim Đáng:

Càng khó khăn càng cần có công việc

Mặc dù vừa vượt qua cơn bạo bệnh, nhưng NSNA Hoàng Kim Đáng vẫn đang cần mẫn làm việc mỗi ngày. Tròn 80 tuổi, ông vừa cho ra mắt độc giả cuốn sách “Vinh quang nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam” (NXB Hội Nhà văn) tôn vinh những gương mặt nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam có nhiều thành tựu.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng (bên phải) cùng bạn bè trong không gian làm việc của ông.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng (bên phải) cùng bạn bè trong không gian làm việc của ông.

Phóng viên (PV): Xem cuốn “Vinh quang nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam”, thấy ông rất kỳ công trong việc ghi chép, tôn vinh những gương mặt nghệ sĩ. Vì sao ông lại nhận lấy sứ mệnh này?

NSNA Hoàng Kim Đáng (HKĐ): Khi nghiên cứu lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam tôi nhận thấy có một đặc điểm là nhiếp ảnh Việt Nam tuy ra đời muộn hơn các ngành nghệ thuật khác nhưng lại sớm gặt hái nhiều thành tựu. Hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ giành tự do, độc lập cũng như trong hòa bình xây dựng đất nước đã xuất hiện đội ngũ phóng viên, nhiếp ảnh Việt Nam ghi được những trang sử vàng truyền thống bằng hình ảnh, đưa nền nghệ thuật nhiếp ảnh từ chỗ non trẻ trở thành nền nghệ thuật nhiếp ảnh phát triển, chiếm vị trí xứng đáng trong nghệ thuật nhiếp ảnh thế giới.

Cho đến nay, đã hơn 150 năm nhiếp ảnh thế giới vào Việt Nam qua các thế hệ. Chúng ta có thể hình dung nền nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam như một vườn hoa đẹp nhiều hương sắc. Với suy nghĩ đó tôi xin tình nguyện được là một người tôn vinh những bông hoa đẹp trong vườn hoa đó. Tôi đã chọn giới thiệu những danh nhân và nghệ sĩ nhiếp ảnh tiêu biểu qua các thế hệ, và đấy chỉ là tập thứ nhất. Tôi hy vọng sức khỏe vẫn cho phép để có thể thực hiện tiếp tập hai.

PV: Với cuốn sách này, ông tự bỏ tiền túi ra in hay có nhà tài trợ?

HKĐ: Tất nhiên điều kiện của tôi cũng không dư dả gì, mà sách ảnh thì chi phí thường rất lớn. Với cuốn này tôi có gửi thư cho các tác giả mà tôi đã lựa chọn ảnh và viết chân dung họ kỹ càng trong cuốn sách, đề nghị họ giúp chút kinh phí hoặc mua sách khi sách được xuất bản. Sau đó, tôi cũng nhận được sự hỗ trợ từ một số tác giả khoảng gần 100 triệu đồng.

Dĩ nhiên từng đó chưa đủ chi phí để làm sách, tôi phải tự bỏ thêm tiền túi của mình vào. Đối với tôi, cuốn sách ra đời là niềm vui lớn lao, vì mình đã góp công chọn lọc, tôn vinh những giá trị tốt đẹp của nhiếp ảnh Việt Nam. Bởi tôi nghĩ, nếu thế hệ chúng tôi không làm việc đó, lớp trẻ sau này có thể không có những tư liệu cần thiết để hiểu đầy đủ về sự ra đời và phát triển của nền nghệ thuật nhiếp ảnh nước nhà.

PV: Cách đây không lâu, ông có chia sẻ về kế hoạch những công việc sẽ hoàn thành khi bước vào tuổi 80, gồm một triển lãm ảnh và năm cuốn sách. Nay, cuốn sách về lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam đã ra đời, còn các cuốn khác thì sao?

HKĐ: Con người ta khi bước vào tuổi như tôi thì đều hiểu rằng thời gian ông trời dành cho mình không còn nhiều nữa, vì vậy phải chắt chiu để làm nốt những công việc còn dang dở. Tôi đã lập kế hoạch với một loạt công việc sẽ hoàn thành để đánh dấu ngưỡng cửa tuổi 80 mình bước vào nhưng năm ngoái tôi bị cơn tai biến mạch máu não. May mà mức độ tai biến nhẹ, được bác sĩ và người thân chăm sóc tốt nên tôi hồi phục khá nhanh. Mừng nhất là trí nhớ vẫn giữ nguyên, khả năng diễn đạt vẫn còn ở mức nói được những điều mình cần nói. Bây giờ mỗi ngày tôi vẫn duy trì đi bộ 1 km để rèn luyện sức khỏe.

Sau tai biến tôi bắt tay ngay vào công việc, không để phí chút thời gian nào. Cuốn sách “Vinh quang nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam” gần như xong bản thảo từ trước lúc bị bệnh, nên tôi hoàn tất để in luôn. Rồi tôi bắt tay ngay vào làm các cuốn sách khác như dự định. Trong những ngày cả nước chống dịch, tôi đã thực hiện xong bản thảo cho tập bút ký, phóng sự, tản văn, là những gì tôi tâm huyết trong nhiều năm làm báo, và cuốn: “Tình thơ - Ảnh nghệ” gồm thơ và ảnh do tôi sáng tác. Tiếp sau đây sẽ là cuốn “Vĩ nhân thời đại” tập hợp những bài viết chân dung người nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực mà tôi đã có cơ hội gặp gỡ trong suốt cuộc đời đi chụp ảnh, làm báo của mình như: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà văn Nguyễn Tuân, nhà nhiếp ảnh Võ An Ninh, nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy, GS Trần Quốc Vượng, nhạc sĩ Văn Cao, GS viện sĩ Tôn Thất Tùng, nhà viết chèo Tào Mạt…

Và cuối cùng là phải cố gắng hoàn thiện cho xong bản thảo cuốn: “Nhiếp ảnh Việt Nam - Từ thực tiễn đến lý luận” phần II, phần I thì tôi đã làm mấy năm trước. Ngoài ra, là chuẩn bị cho một triển lãm ảnh cá nhân mang tên “Đất nước qua ống kính Hoàng Kim Đáng” nữa.

PV: Với khối lượng công việc đó, ngay cả một người có sức khỏe cũng phải mất nhiều thời gian công sức…

HKĐ: Con người tôi không thích sự nghỉ ngơi đâu. Tôi cần làm việc, càng trong những hoàn cảnh khó khăn tôi càng cần có công việc. Trước chỗ ở của tôi chật hẹp đến mức sách vở tài liệu tràn lan ra cả chỗ sinh hoạt, giờ tôi đã có một căn nhà nhỏ cạnh sông Hồng, tôi có hẳn tầng ba chỉ để dành cho công việc nên tôi cảm thấy rất hào hứng. Vì khối lượng công việc mà tôi dự định hoàn thành nhiều như vậy nên tôi phải chạy đua với thời gian. Chưa khi nào tôi cảm thấy thời gian quý giá như vậy.

PV: Xin cảm ơn và kính chúc ông mạnh khỏe!