Họa sĩ Phạm An Hải:

Cần thêm nhiều triển lãm giao lưu quốc tế

Vừa tham dự tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trong “Triển lãm tác phẩm của các họa sĩ đương đại hàng đầu trên thị trường mỹ thuật” họa sĩ Phạm An Hải có một số tâm sự chung quanh câu chuyện tranh bán chạy và đạt chất lượng nghệ thuật, cũng như sự xuất hiện của sàn đấu giá. Anh trò chuyện với Thời Nay.

Cần thêm nhiều triển lãm giao lưu quốc tế

Phóng viên (PV): Có mặt trong tốp “hàng đầu”, lại được truyền thông gọi là “họa sĩ triệu đô”, họa sĩ Phạm An Hải nói gì về cách gọi đó? 

Họa sĩ Phạm An Hải (PAH): Truyền thông gọi như vậy chưa đúng và tôi nghĩ không nên gọi như vậy.

PV: Theo anh, có nhất thiết phải rạch ròi khái niệm tranh nghệ thuật, tranh thị trường không? 

PAH: Theo tôi quan niệm vậy là sai. Tranh thì sẽ có hai loại: nghệ thuật và phi nghệ thuật. Thị trường nghệ thuật thì có cấp thấp và cấp cao. Nói như vậy để thấy bản thân khái niệm đó đã lẫn lộn về mặt nhận thức.

PV: Để thị trường mỹ thuật sôi động, bên cạnh các nhà sưu tập, các nhà đầu tư thì sự xuất hiện của các sàn đấu giá thời gian qua, theo anh, đã có những tác động tích cực gì?

PAH: Đương nhiên nó có tác động tích cực nhưng hiện còn quá mới mẻ và cần thời gian để phát triển, đó là những tín hiệu mừng đáng khích lệ.

Và kể cả về những bất cập, tất nhiên sẽ có. Thí dụ sẽ có bị tranh tượng giả, tranh chép nhái và cái đó sẽ rất cần có chuyên gia thẩm định ở các nhà đấu giá để xác định đúng giá trị các vật phẩm đưa ra đấu giá. Cần có cả chế tài quy định những quyền hạn và trách nhiệm của các nhà đấu giá…

PV: Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, việc xuất hiện các sàn đấu giá giúp người yêu nghệ thuật có thể sở hữu một bức tranh mình yêu thích một cách khá sòng phẳng, theo kiểu thuận mua vừa bán, giúp họ đỡ bị “tù mù” về giá tranh. Ý kiến của anh?

PAH: Đúng vậy, các sàn đấu giá giúp người sưu tập nắm được khoảng giá trị (min - max) một cách tương đối khi chưa tìm hiểu sâu và đầy đủ về tác giả, tác phẩm nên sẽ thuận lợi hơn cho các nhà sưu tập.

PV: Anh là một trong số những họa sĩ Việt Nam có tranh xuất hiện ở nhiều gallery trên thế giới. Việc tìm đường để đưa tranh ra với thế giới thường được thực hiện như thế nào, thưa anh? Và đâu là khó khăn mà họa sĩ Việt Nam phải vượt qua?

PAH: Việc đó thì do các gallery họ tự làm và tôi có cơ may làm việc với vài gallery lớn từ rất sớm. Đó là cơ duyên họ chọn mình chứ mình đâu biết gì khi hơn 20 năm trước, họa sĩ Việt Nam rất khó để tiếp cận các gallery uy tín hoặc các nhà sưu tập lớn, nên việc bán các tác phẩm được giá cao là rất khó.

PV: Anh đánh giá vai trò của Hội Mỹ thuật Việt Nam trong những năm qua? Hội có động thái gì không, một sự hỗ trợ hay kết nối với một số nơi trên thế giới chẳng hạn, để giúp giới họa sĩ có thể bước ra với thế giới?

PAH: Những hoạt động của Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng có, nhưng chưa liên tục và quá ít những triển lãm chuyên sâu hay giao lưu quốc tế. Đó cũng chính là hoạt động mà tôi cho rằng cần thúc đẩy nhiều hơn trong thời gian tới.

PV: Xin cảm ơn họa sĩ Phạm An Hải!

Họa sĩ Phạm An Hải sinh năm 1967 tại Hà Nội. Anh tốt nghiệp Trường Cao đẳng Nhạc họa năm 1988, sau đó tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1995 và nhận bằng thạc sĩ tại Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2006 (chuyên ngành vẽ).

Họa sĩ Phạm An Hải đã tham gia nhiều triển lãm trong nước và quốc tế, được lựa chọn triển lãm tranh tại triển lãm họa sĩ đương đại Việt Nam - Đông - Nam Á do Công ty Philip Morris đứng ra tổ chức. Anh cũng từng tổ chức nhiều triển lãm cá nhân như: “Dòng chảy thời gian” tại Bangkok, Thái-lan, triển lãm cá nhân “Nghệ thuật chữ T” tại Mandarin, Hồng Kông (Trung Quốc), triển lãm cá nhân “In focus” tại Dubai - UAE.