Nhà văn Đỗ Bích Thúy:

Biết tôn trọng mới được tôn trọng

Sau bài viết “Tác giả văn học bị quên ngay tại phim trường” (số 1146, đăng ngày 7-1-2021), nhà văn Đỗ Bích Thúy có cuộc trò chuyện với Thời Nay nhằm thể hiện mong muốn chung về việc các tổ chức, đơn vị, địa phương… cần nâng cao ý thức tôn trọng danh tính, công sức của các tác giả đối với tác phẩm văn học nghệ thuật trong lưu hành, sử dụng và những hoạt động, dịch vụ liên quan.

Nhà văn Đỗ Bích Thúy tại điểm du lịch “Nhà của Pao”.
Nhà văn Đỗ Bích Thúy tại điểm du lịch “Nhà của Pao”.

Phóng viên (PV): Trở về quê hương của chính mình là Hà Giang, trực tiếp tham quan phim trường “Chuyện của Pao” và biết nơi này quên thông tin về tác giả văn học, chị có thể chia sẻ cảm xúc của mình?

Nhà văn Đỗ Bích Thúy (ĐBT): Nói thật là tôi không còn ngạc nhiên nữa, vì câu chuyện này có vẻ như là khá phổ biến và đã diễn ra từ lâu rồi. Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên quay trở lại Đồng Văn, Hà Giang khi “nhà Pao” vừa trở thành địa chỉ du lịch mà dường như không một du khách nào muốn bỏ qua, tôi đã rất xúc động. Vì thời điểm đoàn làm phim lên quay bộ phim đó thì tôi mới sinh cháu bé đầu lòng, không đi theo được. Và cũng ngay từ lần đó thì tôi nhận ra rằng, “người ta” không bận tâm gì lắm tới tác giả văn học. Nhưng tấm biển chú thích ở cổng “nhà Pao” ít ra cũng có một dòng nhắc đến tên truyện ngắn, tên tác giả (mặc dù ghi nhầm tên tôi là Thúy thành Thủy). Còn bây giờ, tên truyện ngắn biến mất, tên tôi cũng mất tiêu (cười).

Tôi yêu mảnh đất mà mình đã được sinh ra, lớn lên và được trao tặng cho niềm say mê bất tận với văn chương. Tôi cũng coi sáng tác là thỏa mãn niềm say mê cá nhân, mang lại hưng phấn cho cá nhân, chứ không xem là mình đang đóng góp được gì cho quê hương. Tuy nhiên, nhìn rộng ra, ở góc độ nói chung của người sáng tác, thì việc bị quên lãng, bỏ qua cũng đáng buồn thật.

PV: Đã có hiện tượng quên, bỏ qua tên tác giả, tác phẩm văn học khi được chuyển thể sang các tác phẩm khác như âm nhạc, điện ảnh, sân khấu... Chị nghĩ gì về thực trạng này?

ĐBT: Đầu tiên, tôi cho rằng vấn đề nằm ở chỗ những cá nhân/tổ chức sử dụng tác phẩm gốc. Nó cho thấy một thái độ ứng xử, một mức độ văn minh, văn hóa. Anh dùng tác phẩm của người ta để tạo ra một tác phẩm khác, thuộc thể loại khác, thì anh phải ghi nhận công lao của người ta chứ! Đấy là sản phẩm của lao động trí tuệ, đâu phải ra ngoài đường “vợt” một cái là có. Nhưng anh cứ dùng, tên tác giả, tác phẩm ban đầu chỉ để một dòng nhỏ xíu gọi là có cho đúng luật, còn tên anh mới là chính. Cái này bên điện ảnh hay gặp nhất. Có khi ngay cả nhà báo, phóng viên cũng bỏ quên tác phẩm gốc. Thường thì cứ nói: “Một bộ phim của đạo diễn XYZ…” mà quên rằng kịch bản ấy được chuyển thể từ đâu, thậm chí là quên luôn cả tên biên kịch nếu như đạo diễn không kiêm luôn vai trò biên kịch. Trừ khi tác phẩm văn học đã quá nổi tiếng rồi, thì người ta mới cần “tranh thủ” sự nổi tiếng ấy.

Cá nhân tôi cho rằng: Ghi nhận một cách xứng đáng sự đóng góp của tác giả, tác phẩm gốc là thể hiện sự chuyên nghiệp. Anh càng tôn trọng đúng mực công sức của người khác thì anh càng được công chúng tôn trọng trở lại.

PV: Tác giả văn học có nhiều biện pháp để bảo vệ quyền lợi, ít nhất cũng là về mặt danh tính của mình khi tác phẩm của mình, nặng thì bị vi phạm tác quyền, không thì cũng ở mức độ không được nhắc đến, bị quên, như chính trường hợp của chị. Tuy nhiên tôi thấy trong nhiều trường hợp họ chọn cách im lặng, cho qua. Phải chăng chính điều này đã tạo cơ hội cho những bất cập tồn tại tái diễn?

ĐBT: Đấy cũng là một lý do quan trọng. Chúng ta có luật pháp với những quy định rõ ràng, nhằm bảo vệ quyền cho tác giả. Nhưng không ít tác giả thường chọn sự im lặng, cho qua, đỡ mất thời gian lên tiếng, khiếu nại hay kiện ra tòa một cách hợp pháp. Và vì thế, đâu đó vẫn có tình trạng ăn cắp tác phẩm, toàn bộ hoặc trích đoạn. Tôi cũng từng bị ăn cắp như thế mà. Khôi hài hơn là người ăn cắp lại gửi về tạp chí Văn nghệ quân đội, lúc ấy tôi đang là biên tập viên văn xuôi. Thế rồi mình cũng nghĩ, thôi bỏ qua. Họ mới viết, sai lầm là dễ hiểu. Nhưng nghĩ kỹ thì chính mình đã tiếp tay cho hành vi không tốt.

PV: Chúng ta luôn kêu gọi cần tôn trọng quyền tác giả trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Để điều này phát huy hiệu quả, chị có gợi mở biện pháp gì?

ĐBT: Thứ nhất là khái niệm “tôn trọng”, nó thuộc về thái độ ứng xử. Người có văn hóa là người biết ghi nhận thành quả lao động của người khác. Thứ hai là về “bảo vệ quyền tác giả”, thì đây là câu chuyện của việc chấp hành luật pháp. Nhưng có những trường hợp không chấp hành mà không hoặc chưa bị làm sao cả. Là vì có luật nhưng luật chưa được thi hành nghiêm túc. Để luật được nghiêm minh thì phải trông đợi sự vào cuộc của các cơ quan thi hành, giám sát.

Bên cạnh đó, rất quan trọng, là thái độ của công chúng. Chính công chúng đòi hỏi sự trung thực, công bằng, minh bạch. Khi báo chí cùng lên tiếng về việc quyền tác giả bị xâm phạm, danh tính tác giả bị ảnh hưởng thì công chúng sẽ là hậu thuẫn, tạo áp lực cho việc xây dựng môi trường văn học nghệ thuật lành mạnh, văn minh.

PV: Cảm ơn chị đã chia sẻ!