Vào viện để... phiêu lưu

Tác phẩm “Băng đảng nửa đêm” (NXB Hội Nhà văn và Nhã Nam) của nhà văn người Anh David Walliams kể về một cậu bé bị đau chân, được nhà trường đưa vào viện. Ở phòng điều trị, cậu gặp một đám trẻ khác với mỗi đứa một cảnh đau ốm, chán chường. Từ không khí ngao ngán, nặng nề ban đầu, câu chuyện dần đưa người đọc vào những cuộc phiêu lưu…

Vào viện để... phiêu lưu

Có phiêu lưu nào lại xuất phát từ trong bệnh viện? Có câu chuyện ly kỳ, bí hiểm nào lại có thể diễn ra ở một không gian vốn nghĩ đến là ta đã thấy “đậm mùi” thuốc thang và những mầu áo trắng, mầu tường, với hình ảnh y cụ đã quen thuộc đến mức tưởng không còn gì khác nữa? Và có những tâm trạng, tình cảm nào khác ngoài những gì như đã “mặc định” về sự nghiêm nghị của y bác sĩ, nỗi lo lắng, mệt nhọc của bệnh nhân và lòng biết ơn khi người ta khỏi bệnh? 

Vậy mà lạ thay, những bất ngờ liên tiếp xảy đến ở cái nơi tưởng chừng… chẳng còn gì để kể thêm nữa, người bệnh cứ đến mà điều trị, y bác sĩ cứ thế mà thăm khám, cho thuốc thôi. Cuộc “thám hiểm” các tầng bệnh viện của đám trẻ hiếu động, các bệnh nhân kỳ dị mà chúng gặp, tầng hầm bệnh viện mở ra bí mật bất ngờ về những cuộc đời khác. Những cuộc “rượt đuổi”, “truy tìm” cũng diễn ra ở bệnh viện này. Và đám trẻ, những bệnh nhân tí hon lẽ ra phải răm rắp tuân lệnh trong mọi trường hợp, hóa ra lại là tác giả của những trò vui “dở khóc dở cười”, những phát hiện đầy hào hứng, những tình huống cấp bách và những tình cảm đẹp đẽ, bao dung.

Câu chuyện được kể một cách hài hước với “cấp độ” tiếng cười, sức cuốn hút và khả năng kích thích trí tò mò, có thể nói là liên tục, qua từng trang sách. Lại được “tăng nồng độ” bằng loạt tranh minh họa dày đặc, hóm hỉnh, gợi tả sinh động các diễn biến, hành động, sự bất ngờ trong câu chữ. Cách viết cũng thế, thật ngắn, thật gọn, thật cụ thể và rất sinh động với liên tiếp các hành động, tình tiết, liên tiếp đưa hình ảnh đồ vật, không gian, hình dáng, diện mạo con người… Tất cả khiến cho người đọc cảm thấy như đang xem một cuốn phim thú vị và mắt phải “dán” vào màn hình để nhận ra cho hết. 

Chính cách triển khai câu chuyện, sắp xếp tình tiết rất sôi động như thế, đặc biệt cộng với nghệ thuật trình bày sách sinh động, trẻ trung, vừa đọc vừa xem, và… cười, chúng ta nhận ra sự tinh tế và nhân văn của tác giả, họa sĩ và những người khác nữa, đã truyền tải câu chuyện đến độc giả. Một câu chuyện tưởng chừng “bắng nhắng” trẻ con, nhưng là gợi ý đáng suy nghĩ và đầy thuyết phục về việc thay đổi, đổi mới trong nhà trường, bệnh viện, trong cách giáo dục, giao tiếp, ứng xử với trẻ em, trong việc quan tâm đến các yếu tố tinh thần, không gian sinh hoạt của bệnh nhân ngoài những quy định về thuốc, về phương pháp điều trị, về giờ giấc và những y lệnh.  

Một câu chuyện cho đông đảo các em. Và hơn thế, đáng để các phụ huynh, các thầy cô và cả y bác sĩ nữa, cầm lên đọc, để vui, cười, để nghĩ thêm về công việc của mình.