“Tưởng người nên lại thấy người về đây”

“Bùi Hiển - Người đánh thức lương tri” (Bùi Quang Tuấn chủ biên, Như Book và NXB Văn học, 2019) là ấn phẩm dày dặn, trang nhã, vừa được phát hành những ngày trung tuần tháng 11 vừa qua. Cuốn sách có thể coi như một tác phẩm di cảo, thu thập và công bố nhiều đoạn nhật ký và thư từ của nhà văn Bùi Hiển trong khoảng thời gian kéo dài hơn nửa thế kỷ, từ năm 1947 cho tới sau năm 2000 cùng với một số nội dung khác.

“Tưởng người nên lại thấy người về đây”

Cuốn sách được chia làm bốn phần chính: “Con đường văn chương và nhật ký”, “Ân tình bè bạn”, “Gia đình”, “Trong ký ức người thân”. Ngoài ra, ở phần cuối sách còn có lời cảm ơn của gia đình, niên biểu hoạt động của Bùi Hiển và danh mục các tác phẩm.

Trong phần đầu, độc giả trước tiên sẽ được đọc một tự sự thú vị do nhà văn bộc bạch mang tên: “Chặng đường đến với văn học” do Bích Thu ghi chép, đã từng được công bố trên tạp chí Văn học tháng 12-2002. Ở phần nhật ký, chúng ta có thể thấy ở đây rất nhiều thông tin, từ các sự kiện chính trị, xã hội đến các câu chuyện văn chương, những việc chung và cả những việc riêng, nhiều tác giả tên tuổi trong làng văn nghệ cùng những câu chuyện của họ cũng được nhắc tới trong phần này như Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Nguyễn Tuân, Đào Vũ, Nguyễn Văn Bổng, Tế Hanh, Tô Hoài…

Ở phần thứ hai, nhiều bức thư của các bạn văn lần đầu được công bố. Chúng ta có thể cảm nhận ở đây không khí văn chương sôi nổi trong suốt mấy thập kỷ, và điều quan trọng hơn là sự ấm áp yêu thương của những người bạn dành cho nhau, cùng dắt nhau đi qua bao gian khó, bao tháng ngày buồn vui ắp đầy kỷ niệm. Đó là những bức thư gửi cho Bùi Hiển của nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình tên tuổi như Nguyễn Tuân, Vũ Ngọc Phan, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Thanh Tịnh, Chế Lan Viên, Thế Lữ, Nguyễn Huy Tưởng, Đào Vũ, Hoàng Trung Thông, Hoàng Phủ Ngọc Tường... Cuối phần này còn có một bài trò chuyện tâm sự của Bùi Hiển mang tên “Buồn vui bạn bè một thuở”, cũng do Bích Thu ghi chép và từng được công bố trên tạp chí Văn học năm 2002.

Ở phần “Gia đình”, nhiều bức thư của cụ thân sinh nhà văn Bùi Hiển cùng các em trong gia đình, gửi cho nhà văn suốt từ những năm 40 của thế kỷ trước cho tới các giai đoạn sau đã được chia sẻ cùng độc giả. Bên cạnh đó là nhiều bức thư của nhà văn Bùi Hiển gửi cho vợ, các con và các cháu. Qua đây, ta không chỉ thấy được nhiều biến động của một giai đoạn lịch sử, được cụ thể hóa trong câu chuyện của một gia đình, mà còn thấy được tấm lòng hiền hậu, yêu thương của một người cầm bút, luôn quan tâm chăm lo cho những người thân yêu bằng tất cả những gì có thể. Vì thế, ở phần cuối “Trong ký ức người thân”, độc giả sẽ được đọc nhiều bài viết xúc động, chứa chan tình cảm mà những người thân trong gia đình dành cho nhà văn Bùi Hiển.

Cuốn sách “Bùi Hiển - Người đánh thức lương tri” khiến chúng ta kính trọng thêm một nhân cách khoan dung, hiền từ, nhân hậu.