Trần Nhân Tông trong góc nhìn của Thiền và Thơ

Qua các bài nghiên cứu, tác giả tập trung vào việc lý giải tư tưởng Thiền và sự hợp nhất, hòa quyện giữa Thiền và thơ của Trần Nhân Tông. Tác giả tìm tòi và đi sâu lý giải tường tận về cội nguồn triết học, duyên khởi tư tưởng Thiền của Trần Nhân Tông - Thiền nhập thế.

Trần Nhân Tông trong góc nhìn của Thiền và Thơ

Quá trình lý giải được dựa trên việc phân tích kỹ càng, chi tiết những tư liệu khoa học được ghi chép lại của chính Trần Nhân Tông cùng những nhân vật lịch sử liên quan và có tầm ảnh hưởng lớn đến ông như Tuệ Trung Thượng sĩ, Huệ Năng… Tác giả đã chỉ ra một cách cụ thể sự hợp nhất giao hòa của Tam giáo trong tư tưởng Thiền nhập thế của Trần Nhân Tông. Đồng thời, đề cập đến vấn đề có tính chất hạt nhân của Phật giáo đó là Phật tính. Phật tính trong quan niệm của Trần Nhân Tông là “gia trung hữu bảo hưu tầm mịch”, trong quá trình tiếp biến bản thể Phật tính có sự “dung hợp với nhân tính và tâm tính và định hướng tu dưỡng cầu chư kỷ vô cầu chư ngoại của Nho gia”. Theo tác giả, trong mối quan hệ với Đạo gia thì tinh thần “cư trần lạc đạo thả tùy duyên” của Trần Nhân Tông chính là sự gặp gỡ, tích hợp giữa Thiền học và Trang học.

PGS,TS Nguyễn Kim Sơn đã đưa vào cuốn sách những bài viết tập trung khai thác văn học Thiền của Trần Nhân Tông trong sự hòa hợp giữa “thiền lạc” và “thi hứng”, “thiền lý” và “thi tình”. Cách luận giải vấn đề của tác giả được đặt dưới góc nhìn đa chiều và trong mối quan hệ rất chặt chẽ giữa triết học, tôn giáo và nghệ thuật. Khi bàn về cảm hứng “cư trần lạc đạo” trong thơ Trần Nhân Tông, tác giả đã bàn rất kỹ ý nghĩa của chữ “lạc” trong văn hóa thẩm mỹ của Nho gia, Thiền gia và Đạo gia, chỉ ra sự khác biệt “lạc của Thiền là vô chấp, là siêu việt. Lạc của Nho là chấp trứ”, còn “lạc của Đạo gia là lạc thú vượt bỏ mọi giới hạn, vượt bỏ mọi ràng buộc”; từ đó khẳng định “cư trần lạc đạo là một con đường giải thoát riêng của Thiền”, là “một loại triết lý, là con đường tu luyện và giác ngộ đồng thời là một cảm hứng sáng tạo nghệ thuật”.

Cũng trong cuốn sách này, PGS,TS Nguyễn Kim Sơn đã phân tích luận bàn hai yếu tố “Thiền học” và “Thi học” trong một số tác phẩm của Trần Nhân Tông, trong đó tác giả nhấn mạnh “Các yếu tố Thiền tứ và thi tứ, thi tài và Thiền ngộ đã kết hợp nhuần nhuyễn và góp phần tạo nên giá trị của chúng”, “thơ và Thiền nhất thể hòa hợp vào nhau, thống nhất trong nhau, tạo nền cho nhau cùng làm cho nhau sâu sắc, tươi đẹp tạo nên bản sắc của thơ ông”.

Tác giả cho rằng, đọc Trần Nhân Tông “nếu chỉ nhìn thấy Thiền lý mà không thấy thi tình thi hứng thi tứ thì không thấy hết cái đẹp của thơ, nếu chỉ nhìn thấy thi hứng và hình tượng mà không thấy chất thiền thì không thấy cái ý tứ sâu xa”. Trần Nhân Tông thiền lạc và thi hứng là công trình nghiên cứu công phu, bài bản, là tư liệu đáng quý đối với bạn đọc muốn tìm hiểu về thơ Trần Nhân Tông.

(“Trần Nhân Tông thiền lạc và thi hứng”, PGS,TS Nguyễn Kim Sơn, NXB Đại học quốc gia Hà Nội).