Thương Sài Gòn của My

Tập tản văn của nhà văn Hoàng My - “Sài Gòn thương còn hổng hết”, được thương hiệu sách Sống và NXB Văn học ấn hành, thêm một cuốn sách nữa viết về Sài Gòn. Đọc xong, tôi nhận ra đây là cái tên sinh ra để dành cho cuốn sách. Mặc cho có người nói tựa này hơi hướng “bánh bèo”. Và tin rằng, Sài Gòn của Hoàng My không lẫn với các Sài Gòn nào đã xuất hiện trước đây.

Thương Sài Gòn của My

Từ cô bé nữ sinh áo trắng, mang tuổi 18 rời quê nhà Bạc Liêu, Hoàng My trở thành sinh viên giữa Sài Gòn đô hội, rồi bám trụ, trưởng thành và định hình mình cho tới giờ. Nhìn lại, đã hai mươi năm. Thời gian đủ để chị “đi guốc vào bụng” thành phố này theo cách của mình.

Chị viết: “… Sài Gòn hai mươi năm, tôi yêu từng góc phố, từng quán cà-phê, từng tiệm cơm bụi, nhà sách, chợ cóc lề đường, của hôm qua và hôm nay. Tiếng chuông nhà thờ Bắc Hà vẫn chưa từng thay đổi, đánh thức tôi mỗi sớm mai ngái ngủ. Con đường Thành Thái nhiều hoa cỏ, tôi vẫn hay tự hào đùa rằng “đẹp nhất Sài Gòn” mỗi độ năm hết Tết tới, xuân chạm ngõ. Khắp thành phố đâu đó vẫn có thể bắt gặp cơm Bắc, mì Quảng, bún mắm Bạc Liêu, bánh pía Sóc Trăng, thậm chí cả kẹo cu đơ xứ Nghệ. Sài Gòn rộng lòng dung nạp hết. Tôi chuyển từ ngạc nhiên sang thân thuộc. Rồi quyến luyến. Rồi xốn xang mỗi khi phải rời khỏi, dù chỉ vài ngày…” (Của hai mươi năm).

Xuyên suốt 40 tản văn trong các phần “Người trong thành phố”, “Phố trong mắt ai”, “Bình dị Sài Gòn” và “Mảnh ghép kỷ niệm”, hiện lên một Sài Gòn nhẹ nhàng, dung dị, gần gũi với hình ảnh người già, bác xe ôm, người giao hàng nhanh, chị tạp vụ, cô bé bán hàng thay mẹ, chị bán báo…; là một Sài Gòn bình yên, đầy khoảng lặng với không gian của con hẻm, quán cà-phê, quán sách xưa, rạp phim, những chuyến xe buýt… Rõ ràng thế mạnh của tản văn là xúc cảm và những câu chuyện không lẫn vào ai của chính tác giả. Dường như Hoàng My biết rõ điều này. Chị giỏi xoay trở bàn phím để đẩy chữ của mình chạm đến những điều tế vi nhất, để có những góc Sài Gòn cho riêng mình và tin là gõ cửa được xúc cảm của những ai từng dan díu, nghĩ suy về thành phố nhiều nắng và lắm gió ở phương nam.

“Đôi lúc, giữa trưa về, gặp ai đó lỡ đường mưu sinh, ngủ quên ngay trên bậc thềm nhà mình. Nắng loang lổ trên giàn bông giấy, đổ xuống chiếc áo và xe đạp cùng các bao túi lùm xùm của họ. Chủ nhà nhẹ nhàng dựng chống xe, kiên nhẫn chờ. Khoảng gần ba mươi phút sau, người buôn bán dạo mới giật mình thức dậy, luống cuống rời đi ngay như có lỗi. Chủ nhà im lặng nhìn theo, chẳng biết nghĩ gì mà nhẹ một tiếng thở dài”.

Hoàng My đã viết vậy, trong tản văn “Người ngang qua ngõ”. Và hầu như trong tản văn nào người đọc cũng có thể bắt gặp những cảm xúc với lối quan sát, “điểm huyệt” như vậy của chị. Hai mươi năm, với lớp lớp từng trải, tưởng chừng rất dễ làm người ta chai sạn đi, thì tản văn của Hoàng My lại cho thấy Sài Gòn luôn mới, luôn tạo được sự háo hức và run rẩy, như mối tình đầu, từ những điều bé nhỏ nhất.