Rong ruổi những cuộc đời vùng biên

Biên giới nước ta có tổng chiều dài 4.639 km trên bộ và 3.444 km bờ biển. Là người viết, tôi từng có ý nghĩ lãng mạn, rằng tổ chức được cuốn sách ghi lại đời sống suốt dọc dài biên giới từ bắc vào nam thì hay biết mấy.

Rong ruổi những cuộc đời vùng biên

Trong khi tôi còn mải mê nghĩ, thì đã đi. Anh lục tung. Kết quả một phần những chuyến dọc ngang những cung đường biên giới ở miền Tây và miền Đông Nam Bộ được nhà báo Đoàn Đại Trí gói lại trong tập bút ký “Sông nước biên thùy”, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh.

Cuốn sách được chia làm ba phần: “Dòng sông đời người”, “Nhỏ bé nơi đường biên”, và “Vẻ đẹp biên ải”. Nhưng tôi thấy phần nào cũng đều mang vẻ đẹp biên ải. Đấy là những ánh mắt Chăm nơi Thánh đường ở thượng nguồn An Giang, là những người dân đồng bào Khmer, người Xtiêng… với văn hóa đặc trưng. Đấy là những cánh đồng mùa nước về với người thợ đóng ghe, xóm câu, người làm nghề đẩy côn, hái súng ma, đặt lọp… Đấy là những người hành nghề xe lôi, xe ngựa kéo, thu mua rơm, chẻ đá, làm muối, lái đò, du mục, phơi lá buông, phu mía, bán bắp… Câu chữ của Đoàn Đại Trí lách nhẹ, khía vào, chạm đến những phận người, những dấu vết nhỏ bé nhưng tiêu biểu của thiên nhiên vùng biên ải, với tâm thế song hành, đồng cảm và sẻ chia.

Tương tự như “Lam lũ những mùa hoa”, tập bút ký đầu tay “Sông nước biên thùy” tập hợp các bài báo của Đoàn Đại Trí trong vài năm qua. Tuy nhiên, mỗi bài ký không chỉ dừng lại ở mức độ cung cấp thông tin về đời sống xã hội như các bài báo thông thường. Có lẽ, do khởi đi từ một người làm thơ nên mỗi bài viết của Đoàn Đại Trí luôn ôm chứa đầy đặn xúc cảm, những con chữ mềm lòng chở cả chất thơ. Đọc “Sông nước biên thùy”, thấy tác giả đã rong ruổi từ Cà Mau, Kiên Giang đến vùng Đồng Tháp Mười là An Giang, Đồng Tháp, Long An, rồi lên núi rừng miền Đông Nam Bộ, với Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai. Tác giả dẫn người đọc đi từ cửa biển để ngược sông Tiền, sông Hậu đến Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây và dòng Đồng Nai…

Ở “Đi qua vùng đất thiêng”, Đoàn Đại Trí viết: “Chỉ biết rằng, cứ mỗi mùa mưa, khi nghe tin nước nổi đang về, tôi lại mê mải muốn trở lại Châu Giang, trở lại vùng đất linh thiêng nhưng lại chỉ để kiếm tìm những điều giản dị. Kiểu như bàn tay thon dài người con gái Chăm chậm rãi kéo chiếc khăn trùm mầu đen che kín đôi má hồng, rồi cười”. Tôi nhận ra, đấy chính là tinh thần của anh giăng mắc lại ở mọi vùng đất đã đi qua, xuyên suốt trong “Sông nước biên thùy”.

Học ngành hàng hải, ngỡ là sẽ thành thủy thủ lênh đênh sóng nước thỏa chí làm trai, nào ngờ Đoàn Đại Trí “ngã” vào thơ rồi trở thành nhà báo. Anh vẫn lênh đênh, nhưng theo mặt chữ và dọc dài đất nước, trên cạn. Với “Lam lũ những mùa hoa”, và giờ là “Sông nước biên thùy”, Đoàn Đại Trí mải miết đi, cùng trang viết và những cuộc đời.