Nương náu để yêu thương

Khi nhà thơ dồn nén xúc cảm - tình cảm trong thơ; khi nhà thơ vượt qua giới hạn của bản thể; khi nhà thơ đồng cảm với tiếng lòng của nhân thế - đó là lúc những rung cảm của trái tim thi sĩ hòa nhịp với ngôn từ, gợi mở những chân trời yêu mến, cảm thương đến tận cùng của sự sống - Trương Đăng Dung là nhà thơ hiện đại như thế, nhà thơ của những chiêm nghiệm, triết lý nhân sinh sâu sắc!

Nương náu để yêu thương

Trương Đăng Dung là một nhà lý luận văn học và đồng thời là một nhà thơ hiện đại. Năm 2011, tập thơ “Những kỷ niệm tưởng tượng” (được giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội) ra mắt lần đầu tiên sau 30 năm làm thơ; và 10 năm sau, tập “Em là nơi anh tị nạn” (NXB Văn học, 2020) được xuất bản, giới thiệu đến công chúng, đã thu hút sự chú ý của văn giới, với nhiều ý kiến sâu và nhất quán về thành công của tập thơ.

Đây không phải là tập thơ nói về những phiêu bồng tình ái mà là những bất an trước tồn tại người. Tập thơ bao gồm 24 bài thơ tự do, là những sự hoài nghi, day dứt của nhà thơ mang ý nghĩa phổ quát. Thơ của Trương Đăng Dung là sự tìm kiếm mình trong “ảo ảnh”, qua “vật chứng thời gian” để lưu giữ lại “những kỷ niệm tưởng tượng” để sống, để yêu, để cô đơn, khắc khoải với phận người. Từ “Những kỷ niệm tưởng tượng” đến “Em là nơi anh tị nạn” là cả một hành trình cảm xúc mang tính triết luận cao. Thơ ông phát xuất từ những ưu tư phận người đến nỗi đau bản thể; từ sự không bình yên đến nơi tị nạn - tìm đến thơ để nương náu - giãi bày! 

Thơ Trương Đăng Dung không làm màu về ngôn từ. Đọc thơ ông, người ta cảm nhận những chia sẻ thật giản dị, đời thường nhưng ẩn sâu trong đó là một trái tim đầy khắc khoải, ưu tư về thân phận con người. Tập thơ là sự khám phá và giãi bày bản thể của nhà thơ trước một thế giới bất an, bất toàn. Đọc hết tập thơ người đọc sẽ nhận ra nơi nhà thơ tị nạn không ở đâu khác ngoài chính mình. “Giữa tâm hồn bất an/và thể xác bất toàn/con tìm nơi cứu rỗi/giữa những hoài nghi, cô đơn và bất lực/ngổn ngang ký ức/tâm hồn con mang nặng cuộc đời con…” (Trên bàn mổ). Chính sự trăn trở, suy tư, chênh vênh, cô đơn, bất an trong thơ ông về cuộc sống, về thế sự, nhân sinh không khiến người đọc thấy ủy mị, buồn đau mà từ những xúc cảm cô đơn, bất an đó người đọc tìm thấy sự sống tròn đầy mãnh liệt trong thơ ông: trân trọng bản thể, trân trọng gia đình, trân trọng sự sống, trân trọng thế giới buồn đau, kiếp người để sống có ý nghĩa hơn, tốt đẹp hơn. 

Tập thơ khép lại với lời “Tự bạch” của thi sĩ, với những hình ảnh thấm đẫm tinh thần hiện sinh và đầy bất ngờ: “Tôi đi giữa mọi người bên những hàng cây im lặng/lòng thầm biết ơn thân cây nào rồi đây ngã xuống/xẻ mình ra ôm tôi về cát bụi”… Câu thơ kết thúc bài thơ mà cũng là kết thúc cho tập thơ, một lần nữa thi sĩ tự bạch về mình, vừa khiêm tốn, vừa thiết tha trước sự phôi pha, hữu hạn của kiếp người. 

“Tôi không mang đến điều gì mới lạ/giữa quá khứ và tương lai tôi chỉ là đứa trẻ biết già”. Đọc thơ Trương Đăng Dung, người đọc hãy lắng mình lại, hãy đọc thật chậm, yên tĩnh trong một không gian vắng lặng sẽ thấy thấm hơn tấm chân tình, xúc cảm yêu thương nhân thế, ẩn sâu trong một trái tim ấm nóng - trái tim người nghệ sĩ đa cảm!