Nói lời dân

Thời gian qua, nhiều bài báo, bài viết được đăng tải rộng rãi đã tôn vinh những hành động đẹp, những cống hiến hết mình của cán bộ, công chức, viên chức, các chiến sĩ nơi tiền tiêu, hải đảo của Tổ quốc…

Nói lời dân

Bên cạnh đó, trước những tiêu cực, bức xúc trong đời sống xã hội, các nhà báo không chỉ đơn thuần thông tin về các hiện tượng, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, tệ nạn tham nhũng, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”… mà đã đi sâu phân tích, lý giải sắc bén, làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan cũng như bản chất, tác hại khôn lường của các tệ nạn này.

Là một cây bút chuyên viết về mảng đề tài đấu tranh phòng, chống suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, nạn tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, mỗi bài viết của nhà báo, nhà thơ Bùi Hoàng Tám đề cập đều là những vấn đề đang nổi cộm, “nhức nhối” trong xã hội, cần phải giải quyết.

NXB Chính trị quốc gia - Sự thật vừa xuất bản cuốn sách “Nói lời dân” - tập 1 của Bùi Hoàng Tám. Cuốn sách bao gồm 157 bài viết chọn lọc của tác giả từ năm 2011 đến tháng 6-2016, đã thu hút được số lượng lớn bạn đọc theo dõi và bình luận. Cuốn sách được chia thành hai phần: Phần I - “Nóng bỏng những vấn đề chính trị - kinh tế - xã hội đất nước”, Phần II - “Soi” những góc đời sống văn hóa - giáo dục - đạo đức và lối sống còn nhức nhối”. Nội dung các bài viết là những suy tư, trăn trở của tác giả trước những vấn đề nổi cộm muôn mặt cuộc sống được bạn đọc quan tâm, như: “Niềm tin gửi Quốc hội”, “Quyền lực dễ làm người ta tha hóa”, “Tham quan” hay… “quan tham”???”, “Hãy rửa tai để được nghe lời nói thật”, “Thầy không “trọng đạo” sao trò “tôn sư”?”, “Bao nhiêu phần trăm là con số thực?”…

Những bài viết của tác giả đã góp phần tích cực trong cuộc đấu tranh phòng, chống các hiện tượng tiêu cực, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, đồng thời cổ vũ những nhân tố mới, khơi dậy những giá trị tốt đẹp trong mỗi người, mỗi gia đình, mỗi tổ chức. Cuốn sách cũng thể hiện quá trình làm việc công phu, nghiêm túc của tác giả. Nhiều phân tích, đánh giá có giá trị tham khảo tốt, nhưng cũng còn có đánh giá, nhận xét cần được tiếp tục nghiên cứu, thảo luận.

Nhiều bạn đọc biết đến Bùi Hoàng Tám không chỉ với tư cách nhà báo, mà còn với phẩm chất một nhà thơ, và cũng chính điều này đã khiến không ít người thắc mắc rằng làm thế nào để cân bằng giữa một bên là mơ màng, tưởng tượng và một bên là tỉnh táo, chính xác? Ông chia sẻ, cần sự “phân thân” rất rạch ròi bởi nếu chỉ một phút giây lẫn lộn, sẽ là điều không hay. Tuy nhiên nếu nhà thơ làm báo thì cũng có rất nhiều lợi thế bởi vốn từ, kỹ năng sử dụng ngôn từ hay truyền tải cảm xúc, đặc biệt là khả năng linh cảm của nhà thơ rất quan trọng đối với nghề báo, nhiều khi nhờ linh cảm trực giác mà tránh khỏi sai lầm.