Những người bên Lãnh tụ

Chọn một lát cắt trong sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh để sáng tác trường ca “Trăng Tân Trào” (NXB Văn hóa dân tộc, tác phẩm vừa giành giải A Cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2018 - 2020), nhà thơ Hữu Thỉnh tặng cho người đọc những xúc cảm, hào hứng khó quên khi lắng vào, ngẫm nghĩ thêm, cảm nhận sâu hơn từ một đoạn thời gian ngắn.

Những người bên Lãnh tụ

Ngắn, nhưng lại mang tính đại diện lớn, bởi đó là quãng thời gian ngay trước Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, khi Đảng ta tổ chức Quốc dân đại hội tại Tân Trào, Tuyên Quang để phát động Tổng khởi nghĩa trong cả nước. Bác Hồ lúc này đang ốm nặng tưởng chừng khó qua khỏi. Trong những phút kiệt sức nhất, Người vẫn canh cánh một quyết tâm giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, cho dân tộc.

Từ cơ sở tư liệu lịch sử, nhà thơ hình dung ra những trạng thái tình cảm, tâm tư, những phút hoài niệm, những thời khắc nung nấu của vị lãnh tụ cách mạng nước nhà trong lán nứa sơ sài nơi sơn lam chướng khí. Những chặng đường cam go đã qua khi đấu trí với kẻ thù và vượt thoát khỏi hang hùm nọc rắn chốn lao tù thực dân. Niềm thương cảm day dứt khi nhớ về người mẹ sớm ra đi, người cha chịu nhiều phiêu dạt. Nỗi đau đáu một điều dân - nước khi nghĩ đến hàng triệu đồng bào chịu cảnh lầm than, nước nhà vẫn còn trong bóng tối… Suy tư, cảm xúc ấy trong Bác Hồ càng lồng lộng khi nhà thơ đan cài với những phút giây mệt lả, những cơn sốt, với tình trạng “Tích hàn nên khí trệ… Khí vượng, huyết kiệt khô… Bệnh hiểm, mệnh trên dây” của Người. Qua những câu thơ dung dị giàu hình ảnh, tác giả càng khắc họa rõ nét thêm tư thế, tâm hồn, con người của Bác, trong nhọc mệt, ốm đau, chí khí mạnh mẽ, kiên cường của người chiến sĩ cách mạng vĩ đại này càng thêm sáng đẹp.

Thành công tái tạo, sáng tạo thêm của tác giả càng giúp người đọc nhận thấy vẻ sáng tươi, thiện lành, cao khiết của ánh trăng Tân Trào như tên của trường ca này đã gợi mở. Nhà thơ góp phần nâng hình tượng của Người lên bằng nỗi lo lắng, tình thương, nỗi xót mà những người chăm sóc Bác đau đáu đêm ngày. Từ các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, anh chiến sĩ, chị cán bộ văn phòng đến người thầy thuốc, đó là tình cảm của những người trong một gia đình. Đặc biệt, nhà thơ kể sâu hơn vào câu chuyện thăm bệnh, bốc thuốc cho Bác. Người thầy thuốc từ phút giây sững sờ, âu lo ban đầu về tình trạng của Bác, đến sự nung nấu, rồi bước dấn thân vào hiểm nguy, để cùng gia đình luyện thuốc hay chữa khỏi cho Bác. Đó chính là đại diện của tình cảm muôn người hướng về lãnh tụ: “Tinh chế của núi rừng/Khí thiêng hồn sông núi/Luyện cùng với lòng dân/Mong Người mau qua khỏi”. Đó cũng là tình cảm kính yêu giản dị mà một người dân thường dâng tặng Bác như một lẽ đơn thuần. Nhà thơ nhấn thêm vào vẻ đẹp tâm hồn của người thầy thuốc, không màng danh lợi, lặng lẽ nghiệp lương y dâng đời, góp phần lý giải thêm cho thành công của cách mạng, cho vẻ đẹp cuộc đời: “Xin góp gió cho rừng/Xin góp nan đan quạt/Tôi luôn ở bên Người/Dù đèo cao núi khuất”.

Hình ảnh lãnh tụ hòa cùng dáng hình non nước, hòa nhịp cùng tình cảm người dân với khát vọng lớn lao. Mọi người dân thường dường như đã thấm nhuần đức tính tốt đẹp của Bác Hồ từ những năm tháng xa xưa. Đó là một số ý khái quát ban đầu qua tám chương của trường ca với những câu thơ năm chữ được kể một cách giản dị, thân mật và chân tình này.