Một kinh nghiệm yêu con

Tôi bắt gặp tình yêu con của mình trong tình yêu con của người cha - nhà thơ Hoàng Liên Sơn, tác giả tập thơ “Quyền tỏa sáng”, NXB Thanh Niên. Tôi bắt gặp tôi trong những lưng chừng cảm xúc về một cung đường, một khoảng cách, một ánh nhìn, một gợi nhớ trong bao la những lập trình sống và đối diện “sống” của người thơ biểu đạt cảm xúc mình chân thực nhất...

Một kinh nghiệm yêu con

Không đủ lọt thỏm một ngôi nhà cao lớn hạnh phúc, nhưng đủ năng lượng ấm áp cho một mùa đông dài của cả một cánh rừng rộng lớn. Cánh rừng của những bội sinh và cánh rừng của một hành trình đầy quyền năng. Quyền năng tỏa sáng.

Đọc tập thơ, không thấy Hoàng Liên Sơn đi lướt qua những lập ngôn dễ dãi. Cũng không thấy những tính từ và động từ cô lẻ ở mỗi bài thơ anh viết. Cách anh “gây sự” (vào bài) tự nhiên và nhiều khác biệt. Chủ ý của từng bài thơ cũng bỏ qua cả cấu tứ đáng ra cần nhấn vào mệnh đề. Mỗi bài là một “lý lẽ”, một lập trình hiển nhiên như câu chuyện của ai đó đang tàng hình đối thoại với cha con anh. Sự bao hàm trong từng ẩn ý anh đối thoại đó khiến người đọc như đang được nghe anh thủ thỉ tâm sự. Những tâm sự khái quát hành trình của một người cha kể chân thành về những bước chân non tơ từ khi con bé nhỏ chưa thôi nôi cho đến lúc đứa trẻ vượt ra khỏi cái bóng của ngôi nhà. Hơn hết, cách nhà thơ yêu con và “gửi” vào con như tạc nguyên lý sống thật quý giá. Như trong bài “Thơ ngây và bóng đêm”, nhà thơ viết: “…Rồi bố hiểu ra/Vì sao con đang vui mà bỗng nhiên thút thít/Trong bí ẩn của đêm khi ánh đèn đã tắt/Bà về quê/Còn mẹ đi công tác/Bố đã gia tăng nỗi bất an khi xa con dù chỉ là vài phút/Và trong thế giới thơ ngây/Sự vỗ về hiệu quả hơn giải thích”.

Nhà thơ nếu dẫm phải bóng mình thì chỉ như người thợ rèn miệt mài giũa mãi món đồ trong một đêm tối thiếu lửa. Cấu tứ tự do, câu chữ tự do, mạch cảm xúc tự do đôi khi không cần nhất quán trong niêm luật âm vựng nào đã làm sáng thêm những hiệu ứng mà tác giả có thể không nhìn thấy. Điều đó quan trọng hay không cũng không nhất thiết nữa khi mà “duyên thiên hà” bên “tình vũ trụ” đã neo đậu và khởi hương. Đồng hành với Hoàng Liên Sơn, người đọc nhận ra khúc biến tấu của những riêng mang bất chợt - cảm xúc thông thường dễ đến của ai đó vừa ngang qua như ở “Bữa trưa quán nhỏ”, “Vườn đào chiều cuối năm”. Ở đó có những câu thơ như hồn vía người viết. Anh tự vấn mình trong làn ranh của nhiều dấu hỏi. Tự vấn rồi lại trở về để vội ngày mà gieo đi những “mầm thiện” thân thương.