Một hải trình thắp lửa

Năng lượng được tích lũy qua chuyến đi Trường Sa của nhà thơ Lữ Mai dường như chưa vơi cạn. Mà lại có xu hướng được sản sinh thêm. 

Một hải trình thắp lửa

Sau hai tập tản văn “Nơi đầu sóng” và “Mắt trùng khơi” (NXB Văn học) với tản văn Lữ Mai hòa cùng ảnh của Trần Thành, được giải thưởng của Quân chủng Hải quân, tác phẩm mới nhất của Mai - trường ca “Ngang qua bình minh” (NXB Văn học) vừa được Bộ Quốc phòng đầu tư xuất bản. Và cũng mới nhất, đã nhận được giải C của Hội Nhà văn Việt Nam cho tác phẩm về biên giới, biển đảo từ năm 1975 đến nay.

Trong trường ca “Ngang qua bình minh”, như một người thân thiết, tác giả dệt nên cuộc kể chuyện giữa những người đã khuất với những người trên tàu đang rong ruổi xa khơi, giữ nước trời biển đảo hùng vĩ. Chuyện quê xa heo hút nơi có những người mẹ ngóng con, người vợ chờ chồng; chuyện kiên cường giữ đảo, ý chí người lính bùng cháy thành bất diệt; chuyện những tâm hồn đẹp hiện giữa gió mây, trời cao, biển thẳm mà thêm sức mạnh cho những người con đất nước hôm nay không ngừng cảnh giác, nhìn thấu tỏ những mưu đồ… 

Những câu chuyện đó được kể trong gặp gỡ người cõi âm, dương mà chẳng hề cách biệt, vẫn như đồng đội bên nhau chung chiến hào, chung boong tàu, chung đường hành quân rộng dài cùng non nước. Rồi những người lính ấy trở nên chung cả ký ức, kỷ niệm, chung cả niềm vui, ý chí, chung tình yêu lớn lao, khoáng đạt trước biển cả lộng lẫy, dồi dào cá tôm nhưng từ phía chân trời xa vẫn ẩn giấu những đe dọa. 

Qua kết nối, xen kẽ các chiều không gian, thời gian, tâm sự nhân vật mà tác giả tạo dựng, người đọc dần cũng chung vào những chuỗi miên man tâm tưởng ấy. Để cùng sống những cảm xúc thiết tha, bi tráng và bâng khuâng cùng người đã khuất, người còn đây đang vươn lên và những người mãi mãi đợi chờ. Trong đợi chờ cùng tiếp thêm sức mạnh. 

Tám chương trường ca như chuyến hải trình từ trong đêm, “Ngang qua bình minh”, đi vào ngày rực rỡ. Cũng là từ trong nội tâm một người, những người mà trải cùng đất, cùng biển, cùng núi đồi quê nhà, cùng đảo xa, cùng xưa - nay, cùng cõi sống và cõi được lưu nhớ mãi. Trải nghiệm trọn hải trình ấy, tác giả cùng người đọc chung tình yêu và ý chí kêu gọi giữ gìn chủ quyền đất nước. Những câu thơ vang lên như gọi mời mỗi người đi đến và chứng kiến: “…bỗng thấy đền đài hiển hiện mặt sóng/muôn đỉnh mây rồng uốn phượng chầu/gió thổi miết ngàn lau lồng lộng/khắc vào mỗi tấc lòng ký tự quan san/những người lính mắt đong nhịp lửa/chân ngân rung ngực ấm buồm căng/chào nhau giữa biển mênh mông/ta đứng phía mũi tàu/đảo nhỏ dặm dài áo hải quân cầu cảng/trang nghiêm trầm thiêng/tươi mới cả vòm trời buổi sáng…”.