Lời giải duy nhất

Hiếm có học giả đương đại nào nhận được sự hâm mộ đặc biệt từ giới trí thức tinh hoa, các ngôi sao trong làng giải trí cho đến giai cấp bình dân như Yuval Noah Harari khi những tác phẩm ông viết luôn được săn đón trên khắp thế giới.

Lời giải duy nhất

Sau hai cuốn sách cực kỳ thành công là “Sapien: lược sử loài người” và “Homo Deus: Lược sử tương lai”, Harari tiếp tục thử thách độc giả toàn cầu với sự trở lại ấn tượng cùng “21 bài học cho thế kỷ 21” (NXB Thế giới).

Khó có thể xếp cuốn sách này vào một thể loại cố định khi nội dung của cuốn sách đã chạm vào hầu khắp các lĩnh vực đang chi phối mối quan tâm của nhân loại như: thách thức của công nghệ với quyền bình đẳng và tự do, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, những tín điều cực đoan nhân danh tôn giáo, diễn biến khó lường của chủ nghĩa khủng bố, các cuộc chiến tranh phi nghĩa và sự tụt hậu của giáo dục so tốc độ phát triển của xã hội loài người… 21 bài học - 21 vấn đề được sử gia Harari nêu ra trong cuốn sách tưởng chừng như những vấn đề riêng rẽ của thế kỷ này nhưng lại có chung một đáp án: chúng chỉ có thể được giải quyết khi có sự chung tay của tất cả các quốc gia trên thế giới.

Thật vậy, trước những biến đổi chóng mặt trong hai thế kỷ qua, loài người đang đối mặt những thách thức khổng lồ mà không một quốc gia nào có thể tự tin sẽ gánh vác toàn bộ trọng trách như trước đây, nhất là sau sự tan rã của trật tự hai cực Yalta. Theo phân tích và dự đoán của Harari, thế giới đang bước dần sang giai đoạn hậu công nghiệp kéo theo máy móc sẽ thay thế con người trong các công việc phổ thông. Nhưng đây không phải là tiền đề của một xã hội mang dáng dấp “thiên đường” (utopia) mà là một thế giới với những “siêu người” (homo deus) kiểm soát cả về tiền bạc, công cụ sản xuất lẫn khả năng thao túng thông tin, nhận thức. Công nghệ không làm cho những mâu thuẫn, xung đột của thế giới giảm đi mà khiến chúng biến đổi theo các chiều hướng phức tạp, khó dự đoán khi các thế lực khủng bố, các chính trị gia dân túy biết tận dụng “tính ưu việt tưởng tượng” của một vài tôn giáo, nền văn hóa hay chủng tộc để kích động những tư tưởng độc hại. Trong khi đó, giáo dục phổ thông hiện nay đang lỗi thời trước cơn bão công nghệ khi tiếp tục đào tạo con người để thích ứng với xã hội công nghiệp kiểu cũ. Bởi vậy, vì vận mệnh của nhân loại, theo Harari, đây chính là thời điểm để các quốc gia trên toàn thế giới đoàn kết lại.

Với “21 bài học cho thế kỷ 21”, Harari khiêm tốn cho biết “chương trình nghị sự” do ông chấp bút chỉ như một cuộc trò chuyện với công chúng để trả lời những câu hỏi mà đồng nghiệp, phóng viên và độc giả đã đặt ra. Mặc dù vậy, từ nguồn kiến thức đồ sộ được tổng hợp và diễn đạt lại một cách rành mạch, chỉnh chu bằng một khối óc thiên tài, “21 bài học cho thế kỷ 21” xứng đáng là một tác phẩm gối đầu giường của nhiều bạn đọc Việt Nam và thế giới.