Lá rụng về cội

Với tôi “Và khép rồi lại mở” (NXB Hội Nhà văn, 2020) của nhà văn Vũ Từ Trang là một cuốn “tiểu thuyết ký ức”. Một tác phẩm được khởi sinh từ những ký ức của tác giả về gia đình, bạn bè, hàng xóm, đặc biệt là về nơi sinh thành, chôn nhau cắt rốn - làng Trung vùng Kinh Bắc với nghề làm đồ đồng nổi tiếng. 

Lá rụng về cội

Lá rụng về cội. Khi con người cảm nhận được quỹ thời gian của mình không còn nhiều thì việc “hồi đầu” luôn cần thiết. Ký ức sẽ giúp con người thỏa nguyện hơn, nhẹ nhàng hơn khi bước những bước cuối cùng trên con đường định mệnh. Những ký ức ấy theo tác giả vào trong văn chương. Lần này, ký ức đã thăng hoa cùng năng lực sáng tạo trong tác giả, giúp chúng ta có trên tay cuốn tiểu thuyết. Ở đây, ký ức chỉ đóng vai trò phông nền, là chất xúc tác cho Vũ Từ Trang bay bổng, thỏa thuê sáng tác, gửi gắm trong đó những ngẫm ngợi về nhân sinh. Ông đã rất cẩn thận khi chua một dòng “cuốn sách mang tính hư cấu văn học” ở đầu thiên tiểu thuyết để tránh đi những “xì xầm” không nên và không đáng có của người đời khi thưởng thức tác phẩm.

21 chương là 21 câu chuyện diễn ra trong thời gian trải dài từ kháng chiến chống thực dân Pháp cho đến nhịp sống đương đại ngày nay với những số phận, cuộc đời khác nhau qua lời kể của nhân vật xưng tôi. Các câu chuyện tưởng chừng như độc lập, rời rạc nhưng hóa ra lại được gắn kết chặt chẽ với nhau bằng tư duy tiểu thuyết khoa học, hiện đại của tác giả. Người này ở chương này là nhân vật trung tâm, nhưng ở chương khác lại chỉ đóng vai trò thứ yếu, xuất hiện thoáng qua. Cái “nhân” nhân vật này trồng ở chương trước hóa thành cái “quả” cho người khác gặt ở chương tiếp sau. Những câu chuyện về ông Ao nghèo khổ, xấu xí phải bỏ làng đi biệt xứ, chuyện sư cô An xinh đẹp có cuộc đời “ba chìm bảy nổi”, chuyện Tín - một vị tướng quân đội tài ba - phải sống đơn độc cả đời, chuyện Độ một trí thức trẻ muốn mang tài sản, trí tuệ về xây dựng quê hương, chuyện nhà Hỏa vì tiền bạc đất cát mà anh em giết nhau, chuyện cô giáo Liên tự dưng ăn phải bùa mê thuốc lú bỏ chồng con để trốn theo bạn trai quen trên mạng…, theo nhà văn Lê Minh Khuê là những mảnh ghép tạo nên bức tranh hoàn chỉnh về “nhân vật chính” của tiểu thuyết là “cái làng ở Kinh Bắc” mang tính “điển hình cao” cho hàng nghìn, hàng vạn ngôi làng ở Việt Nam. Một ngôi làng đã trải qua tất cả những biến cố, thăng trầm cùng lịch sử dân tộc để rồi sau tất cả làng lại bình yên, lại là nơi “xuất nhập tương hữu”, “tiểu vãng đại lai” như tâm nguyện của những người dân khai sinh ra ngôi làng. 

Cái kết của tiểu thuyết đã toát lên cái tinh thần nằm ở chính nhan đề: cuộc sống “khép rồi lại mở”, mỗi con người ngẫm ra thì đều có sẵn mệnh khi mới chào đời nên cứ an nhiên mà đón đợi, mà sống, rồi mọi thứ cũng sẽ đến và sẽ qua. Một tinh thần dung dị nhưng đầy sâu sắc của một con người, theo tôi, đã ngộ được cái đạo vô cùng của đất trời. Với cuốn tiểu thuyết sau cùng này, có thể nói Vũ Từ Trang đã đi trọn vẹn một đời người, một đời văn.