Khi phê bình là nghệ thuật của trái tim

“Ẩn số của ngôn từ” (NXB Hội Nhà văn, 2020), tập tiểu luận phê bình của Hà Vinh Tâm, tập hợp những bài viết về những chủ đề khác nhau: Phê bình trẻ và nhịp điệu cuộc sống hôm nay; Cảm nhận về thơ và truyện, bình thơ, truyện…

Khi phê bình là nghệ thuật của trái tim

Đọc sách, ít có cảm giác khô khan, trừu tượng, mà thay vào đó là sự tươi mới, trẻ trung đậm chất văn chương và học thuật, thấy thú vị trước những phát hiện thú vị về nội dung và nghệ thuật của từng tác phẩm được đề cập. 

Qua đó, ít nhiều manh nha một hướng tiếp cận khoa học với lối văn trong sáng, mạch lạc, tư duy thực chứng của người luôn ý thức về nghề nghiệp. Ở mảng văn xuôi, ngòi bút tác giả đi vào từng ngóc ngách của tác phẩm, hóa thân vào cuộc đời nhân vật, giải mã những đặc sắc về nghệ thuật, trên cơ sở đó, khái quát nội dung và nội dung tư tưởng, tìm ra giá trị đích thực của tác phẩm. Ví như nói về tính nhân đạo của cái “Đa truân” trong tiểu thuyết “Hồng nhan” của Phan Thế Phiệt chị viết: “Ông đã nhìn thẳng vào những “mảnh vỡ”, những bi kịch nhân sinh, mổ xẻ, phơi bày nó bằng cái nhìn trung thực, táo bạo. Qua đó, ông không chỉ phản ánh được những gấp khúc, những bước chuyển mình của nông thôn Nghệ An trên đường đô thị hóa và hội nhập mà còn phản ánh cả những góc khuất thân phận con người, nhất là của người đàn bà đẹp”. 

Phê bình thơ cũng là một thế mạnh ở cây bút này. Quá nửa số bài trong “Ẩn số của ngôn từ”, tác giả dành cho niềm đam mê thơ. Từ những trải nghiệm của bản thân, chị hóa thân vào tác phẩm, cảm thông, thấu hiểu và phát hiện những giá trị tiềm ẩn trong từng bài thơ, tập thơ. Hà Vinh Tâm cũng luôn coi trọng các yếu tố liên quan đến tác phẩm, thâm nhập sâu vào thế giới nghệ thuật, khai thác và lật xới từng vỉa tầng, tìm ra ý nghĩa tiềm ẩn qua từng câu chữ. Mỗi khi chạm đến thơ, tâm hồn chị luôn đồng điệu cùng tiếng lòng và con tim của tác giả, tìm ra điểm nhấn bất ngờ và khi ấy, tâm hồn nghệ sĩ được thăng hoa. Trong bài “Những nốt trầm xao xuyến trong “Trăng suông”, khi phân tích bài “Đồng mưa” của Đinh Quang Tốn, chị đặc biệt chú ý đến câu thơ đặt trong ngoặc đơn (thường là câu thơ phụ, chỉ có tác dụng giải thích thêm cho ý tứ của bài thơ). Nhưng không phải vậy: “Mưa tầm tã mà cánh đồng rộn rã/Hối hả trâu đi náo nức mạ xuống đồng.../(mỗi chiếc nón là một khoang trời tạnh)... Ì oạp tiếng gầu đổ nước ra sông... “Câu thơ thứ ba được đặt trong dấu ngoặc đơn nhưng lại chính là điểm nhấn quan trọng của toàn bài thơ giống như phần đường cong của một người đẹp. Đây là câu thơ đặc biệt so với ba câu còn lại, không có từ láy cũng không có động từ chỉ hành động, chuyển động nào. Nó là khoảng lặng nhưng lại là trung tâm phát sáng của cả bài thơ. Với câu thơ này, thi sĩ đã chuyển đổi điểm nhìn từ cảnh vật sang con người nhưng không phải là sự quan sát từ bên ngoài mà lại xoáy sâu, phóng chiếu từ bên trong”.

Có thể nói, “Ẩn số của ngôn từ” là một thành công của Hà Vinh Tâm, văn phong phê bình có sự kết hợp hài hòa giữa tính khoa học, tính nghệ thuật và tính trí tuệ, nên tạo được sự đồng cảm và hấp dẫn nơi người đọc.