Khắc khoải với môi trường

Khai thác bối cảnh đời sống của loài chim (chủ đạo là cò) đang đối mặt tình trạng bị săn bắn, triệt hạ, tiểu thuyết mới của Nguyễn Văn Học - “Linh điểu”, NXB Dân trí, dấy lên những lo ngại về tình trạng loài người đang hủy hoại môi trường sống của mình.

Khắc khoải với môi trường

Không phải là một tuyên ngôn về văn chương sinh thái, nhưng nó thật sự là một thông điệp đầy khắc khoải về sinh thái. Ở đó, đời sống của loài dã điểu bị đe dọa bởi nạn săn bắn, cung cấp cho thực khách trên các bàn nhậu. Những đặc sản trong quán ăn trở thành nỗi ám ảnh mỗi khi chúng ta nghĩ đến cảnh loài chim bị bắt, nhốt, bị vặt lông trơ trụi, bị thiêu sống trên ngọn lửa. Tiếng kêu của loài chim trong cảnh tan tác như lời nhắc nhở, yêu cầu con người phải khẩn thiết bảo vệ môi trường, bảo vệ các loài dã điểu, rộng hơn là sự nhắc nhở về ý nghĩ lựa chọn, ứng xử của con người trước thảm cảnh môi trường. Mẹ thiên nhiên nuôi dưỡng con người, nhưng, nhìn lại, con người trong tư cách đứa con đã làm gì để “phụng dưỡng” thiên nhiên?

“Linh điểu” là lời kêu cứu, vang lên trong nỗi ám ảnh về sự tan hoang của môi trường sống, là nỗi bất an về tình trạng xung đột gay gắt giữa tự nhiên và con người. Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết phân hóa thành hai tuyến: những người hết lòng bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ các loài dã điểu (Diệp Vân, Diệp Sương, Diệp Chi, bà Thi, ông An, ông Quý…) và những kẻ đang tâm hủy hoại môi trường nhằm thỏa mãn khoái thú tàn sát, ẩm thực của mình (Hùng, Dũng rô, những kẻ buôn bán, săn bắt động vật hoang dã). Xoay quanh đời sống của các loài dã điểu, các nhân vật có tính đại diện cho một số thành phần khá quen thuộc trong xã hội đã phô bày bản chất của mình. Ở đó, chúng ta sẽ thấy quý trọng biết bao nhiêu những con người dành tất cả sức lực, tâm trí để bảo vệ tự nhiên. Cũng ở đó, chúng ta thấy cần phải lên án những hành động xâm hại tự nhiên, hủy hoại môi trường sống chung của muôn loài.

Cuốn tiểu thuyết gắn với hình tượng Diệp Vân, một cô gái có mối liên hệ đặc biệt với loài vật. Cô là hiện thân của nỗi ám ảnh bị đe dọa hủy diệt và gắng gượng để vượt lên trên những ám ảnh, lo lắng đó. Đôi cánh trắng muốt, tỏa hương mọc lên trên vai Diệp Vân và tấm lòng thương yêu bảo vệ loài dã điểu của cô là ý nguyện chủ đạo mà nhà văn gửi gắm trong tác phẩm. Linh điểu - loài chim thiêng, đã hiện thân trong hình hài một cô gái trong sáng, thơm thảo, gióng lên tiếng chuông cảnh báo về nhân tính và nhân loại trong tương quan mật thiết, sống còn với môi trường. Cuộc đấu tranh của hai phe trong tiểu thuyết có thể chưa đi đến hồi kết, nhưng những gì Diệp Vân và gia đình cô, những người ý thức được tầm quan trọng của môi trường sống và sự hòa hợp của muôn loài đã cho thấy giá trị cũng như những hành động cần làm ngay của chúng ta. Cái chết và sự hủy diệt là những cảnh báo về thực tại mà đời sống hiện đại nguy cơ đối mặt. Tuy nhiên, từ cái chết, sự tái sinh trong lửa đỏ của Diệp Vân mang mầu sắc huyền thoại đã gợi lên những hy vọng về sự thức tỉnh.