Đứng về phe cái khác

“Đứng về phe cái khác” (NXB Hội Nhà văn, 2020) là cuốn sách tập hợp 15 bài trò chuyện giữa nhà phê bình văn học Hoàng Đăng Khoa, hiện đang công tác tại tạp chí Văn nghệ quân đội, với 17 gương mặt nổi bật trong đời sống văn chương đương đại. Khi người viết, người làm phê bình chọn cho mình một tâm thế độc lập để kích gợi sự uyên áo của văn chương là khi họ đã sẵn mang trong mình một tinh thần đối thoại/tranh biện.

Hoàng Đăng Khoa, bằng những câu hỏi tinh tế, hàm súc nhờ vào tri kiến và sự dấn nhập thời cuộc văn chương, đã có những cuộc trò chuyện thú vị, sinh động, ấn tượng, thuyết phục. Sau mỗi cuộc trò chuyện, anh vừa khai thác được những hạt vàng tri thức từ các nhân vật, vừa phác dựng lên chân dung của chính họ trong một cảm quan riêng khác. Ở “Đứng về phe cái khác”, người đọc không chỉ được dẫn dụ đi sâu, đi rộng vào các vấn đề văn chương, mà còn được gặp, được nghe, được đối thoại với những tác giả mà tên tuổi họ như là sự bảo chứng trong lĩnh vực mà họ đã và đang hoạt động. Đó là PGS, TS, nhà thơ, dịch giả Trương Đăng Dung cần đến thơ như một diễn ngôn có khả năng thể hiện được một cách phong phú hơn, đa diện hơn; GS, TS Lê Huy Bắc - một chuyên gia hàng đầu về văn học nước ngoài, đặc biệt là văn học Mỹ và các lý thuyết hậu hiện đại, ký hiệu học; nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - người tham vọng có thể chạm được vào vẻ đẹp tối thượng của đời sống này; PGS, TS Phan Huy Dũng với quan niệm văn chương giúp con người thấy kiếp nhân sinh cũng “nhẹ bồng”; nhà văn Nguyễn Việt Hà - người kể chuyện rất duyên về Hà Nội; nhà thơ Mai Văn Phấn - người miệt mài kiến tạo một cách thơ thuần Việt…

Trên con đường chung của sách nghiên cứu phê bình văn học, Hoàng Đăng Khoa đã chọn cho mình một cách thế khác để xuất hiện, quan sát và nhìn nhận đời sống văn chương. Sự đồng hành cùng với các nhân vật qua 15 cuộc trò chuyện cũng đã khắc hoạ được chân dung, tư kiến của chính anh trong sự dịch chuyển còn nhiều ngập ngừng, khó đoán của văn chương hôm nay. Anh trình hiện mình trong cuốn sách này không phải là người hỏi chuyện văn chương đơn thuần, mà là một nhà phê bình hiểu chuyện văn chương. Từ đây, một kiểu dạng phê bình rất có thể sẽ được định danh: phê bình đối thoại.