Đọc “Trông vời cố quốc”

“Trông vời cố quốc”, NXB Đại học Thái Nguyên, của nhà văn Hoàng Quảng Uyên, là tiểu thuyết lịch sử - một tác phẩm văn học được hư cấu sáng tạo trên nền lịch sử, dựng lại giai đoạn 30 năm Hồ Chí Minh bôn ba hải ngoại, xa xứ và tìm đường trở về cứu nước, cứu dân (1911 - 1941).

Đọc “Trông vời cố quốc”

Hoàng Quảng Uyên đã viết về Hồ Chí Minh ở nhiều góc độ khác nhau như: người thanh niên trí thức hy sinh bản thân vì dân tộc, sớm bộc lộ những tố chất của vĩ nhân, biết vượt qua khó khăn trong những hoàn cảnh thử thách nhất; là người chiến sĩ cộng sản kiên định quan điểm lập trường nhưng luôn tôn trọng tổ chức; là con người luôn dành tình cảm tha thiết cho quê hương, người thân.

Hành trình đưa con đường cứu nước, đưa lý tưởng về “Cố quốc” trước sự theo dõi, kiểm duyệt của thực dân, đế quốc mới gian nan làm sao, nhưng phải thực hiện nhanh, càng sớm càng tốt. Người đã viết sách, báo rồi tìm cách đưa về nước để giác ngộ quần chúng. Việc đưa báo chí cách mạng về nước là một hành trình đầy khó khăn, nguy hiểm. Nhà văn đã miêu tả chi tiết những khó khăn này. Nhờ được tuyên truyền, phong trào yêu nước ở trong nước chuyển dần từ tự phát sang tự giác, chuyển từ yêu nước theo hệ tư tưởng vô sản. Người đọc đã thấy được tiến trình lịch sử dân tộc thông qua cuộc đời và sự nghiệp của một bậc vĩ nhân.

Về mặt kết cấu, “Trông vời cố quốc” được xây dựng trên nguyên tắc của “tiểu thuyết chương hồi”. Đặc biệt, tên gọi mỗi chương cũng rất hàm xúc và đại diện cho từng sự kiện mà Người đã trải qua như: “Hội nghị Vécxây”, “Ánh sáng luận cương”, “Đường về Quảng Châu”, “Trở lại nước Nga”, “Đổi lại tên Đảng”, “Đường về Tịnh Tây”... Bạn đọc có thể dễ dàng nhận ra hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trong 30 năm (1911 - 1941) tuần tự theo thời gian đúng với các tư liệu chính thống đã công bố.

Mỗi chương trong tiểu thuyết này tập trung thể hiện một sự kiện, một sự việc và cơ bản sự việc, sự kiện ấy được giải quyết tương đối trọn vẹn ngay trong chương đó. Nhưng sự hấp dẫn và đổi mới của nhà văn ở đây là: “Nếu đọc hết 25 chương sẽ giúp người đọc hình dung trọn vẹn nhân vật Nguyễn Ái Quốc trong suốt giai đoạn lịch sử 1911 đến 1941. Nếu đọc một chương, người đọc chỉ có thể hình dung được hình tượng Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh ở một lát cắt, khía cạnh và thời điểm nào đó”.

Ngôn ngữ tả thực, giọng điệu trữ tình ngợi ca - cảm phục của nhà văn khiến Người - vị lãnh tụ nhưng hiện lên có tầm nhìn xa trông rộng, có tri thức và vốn văn hóa cao nhưng luôn gần gũi, chân thực và đời thường. Nghệ thuật xây dựng nhân vật cũng được tác giả chú ý, bên cạnh nhân vật chính Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, bạn đọc có dịp gặp lại hầu hết các tên tuổi có vai trò đáng kể trong tiến trình lịch sử dân tộc.

Đọc “Trông vời cố quốc”, người đọc càng thấy được tầm vóc vĩ đại và rất giản dị của Bác Hồ, càng thêm kính yêu và tự hào về nhân cách, tài năng, trí tuệ và công lao to lớn của chiến sĩ cộng sản quốc tế, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đối với đất nước, dân tộc và thời đại.