Thách thức cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ

Vào thời điểm chỉ còn một tuần tại nhiệm, Tổng thống Mỹ Donald Trump đứng trước thách thức lớn, khi có nguy cơ vướng vào một cuộc luận tội nữa của Quốc hội. Trưa 13-1 (giờ Việt Nam), Hạ viện Mỹ đã thông qua nghị quyết, do phe Dân chủ thúc đẩy, kêu gọi phế truất Tổng thống sắp mãn nhiệm. 

Tổng thống Trump trong chuyến thị sát bức tường biên giới với Mexico. Ảnh: AP
Tổng thống Trump trong chuyến thị sát bức tường biên giới với Mexico. Ảnh: AP

Nghị quyết đề nghị Phó Tổng thống Mike Pence kích hoạt Tu chính án số 25 của Hiến pháp, trong đó quy định Tổng thống bị bãi nhiệm trước hạn nếu bị tuyên bố là “không còn đủ khả năng đảm nhận chức vụ”. Tuy nhiên, trong thư gửi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi hôm 12-1, Phó Tổng thống Pence tuyên bố sẽ không kích hoạt Tu chính án số 25. Theo ông, việc bãi nhiệm Tổng thống Trump không đem lại lợi ích cho đất nước, thậm chí còn tạo tiền lệ xấu, làm tăng chia rẽ và thổi bùng giận dữ trong dư luận Mỹ vào thời điểm nhạy cảm hiện nay.

Tuy nhiên, trong nỗ lực gây sức ép buộc Tổng thống Trump từ chức trước ngày rời nhiệm sở, phe Dân chủ dọa sẽ thúc đẩy tiến trình luận tội Tổng thống, nếu Phó Tổng thống Pence không phế truất ông Trump. Hạ viện Mỹ thông báo kế hoạch trong ngày 13-1 (giờ Mỹ) tiếp tục tổ chức bỏ phiếu về việc luận tội Tổng thống, với cáo buộc ông Trump “kích động bạo loạn”. Phe Dân chủ cáo buộc lãnh đạo Nhà trắng kích động biểu tình bạo loạn nhằm vào phiên họp lưỡng viện Quốc hội hôm 6-1.

Tổng thống Trump chỉ trích đảng Dân chủ xúc tiến kế hoạch luận tội, coi đây là hành động vô nghĩa, là phần tiếp theo của “cuộc săn phù thủy” lớn nhất trong lịch sử chính trị Mỹ. Phát biểu ý kiến tại bang Texas hôm 12-1 trong chuyến thị sát “bức tường biên giới” với Mexico, công trình được xem là một thành quả nổi bật trong nhiệm kỳ, Tổng thống Trump nhấn mạnh, nỗ lực của các nhà lập pháp thuộc đảng Dân chủ chỉ nhằm làm chệch hướng thành tựu nhiệm kỳ của ông; việc gây sức ép để phế truất Tổng thống trước hạn không mang lại rủi ro cho ông, trái lại sẽ gây bất lợi cho Tổng thống đắc cử và chính quyền mới.

Trong khi đó, các kế hoạch bảo đảm an ninh đang được chuẩn bị ráo riết trước thềm lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden ngày 20-1 tới, với chủ đề được thông báo là “Nước Mỹ thống nhất”. Trước những cảnh báo về nguy cơ xảy ra biểu tình bạo lực ở Washington D.C và nhiều thành phố lớn, binh sĩ và lực lượng vệ binh quốc gia sẽ được huy động nhằm bảo đảm an toàn. Tổng thống Trump còn cho phép ban bố tình trạng khẩn cấp tại Thủ đô Washington D.C, có thể kéo dài tới ngày 24-1 tới.