Từ câu chuyện của CLB bóng đá Thanh Hóa

Thông tin gây xôn xao trong thời sự bóng đá nước nhà tuần qua là việc CLB bóng đá Thanh Hóa gửi công văn tới Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty CP bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) xin không tiếp tục tham gia Giải vô địch bóng đá quốc gia V.League 2020, vì lý do không đủ khả năng tài chính.

Cầu thủ CLB Thanh Hóa ăn mừng bàn thắng trong một trận đấu ở V.League. Ảnh: LÊ MINH
Cầu thủ CLB Thanh Hóa ăn mừng bàn thắng trong một trận đấu ở V.League. Ảnh: LÊ MINH

Mặc dù V.League 2020 đang tạm hoãn do dịch Covid-19, nhưng việc Thanh Hóa bỏ giải đấu sẽ gây ra nhiều xáo trộn ở mùa giải này, từ tâm lý của các đội bóng đến vị trí trên bảng xếp hạng. Rất may, chỉ một ngày sau đó, Thanh Hóa đã rút lại quyết định sau khi có sự can thiệp của lãnh đạo địa phương. Dù vậy, việc một đội bóng xin bỏ giải là hồi chuông cảnh báo cho các cơ quan quản lý bóng đá để xem lại cách thức tổ chức giải đấu và phương pháp ứng xử đối với các đội bóng thành viên, trong trường hợp giải liên tục hoãn vì lý do bất khả kháng.

Trong lịch sử phát triển V.League, Thanh Hóa không phải là đội đầu tiên xin bỏ giải. Có vô số lý do được đưa ra để biện minh cho hành vi này. Nhưng, dù là lý do nào thì việc bỏ giải giữa chừng đã chứng tỏ sự thiếu chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam. Một đặc điểm điển hình nữa của sự thiếu chuyên nghiệp là việc bóng đá ở Việt Nam vẫn chưa thể tự “nuôi” nổi mình, chỉ sống nhờ “bầu sữa” của các “ông bầu”, thậm chí có đội vẫn còn dựa một phần vào ngân sách địa phương. Thành thử, Thanh Hóa có thể chưa chắc đã là đội bóng duy nhất gặp khó khăn dẫn đến hành vi xin bỏ giải đấu, điều đang khiến dư luận bàn tán xôn xao mấy ngày qua.

Nói cách khác, để giải V.League 2020 có kết thúc suôn sẻ, hẳn các cơ quan quản lý sẽ có những biện pháp để làm yên lòng những đội bóng như Thanh Hóa. Tuy nhiên, về lâu về dài, bóng đá Việt Nam vẫn cần những giải pháp căn cơ hơn để trở nên chuyên nghiệp thật sự. Ở đây, điều quan trọng nhất cần bàn đến là làm sao để bóng đá có thể tự “nuôi” nổi mình. Có như vậy mới tránh khỏi những câu chuyện “tréo ngoe” như vụ việc Thanh Hóa xin bỏ giải. Thẳng thắn mà nói, bóng đá chỉ có thể phát triển nhanh mạnh nếu nó được chuyên nghiệp hóa.